Cộng đoàn – nơi tình yêu lớn lên
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEivJoFeLJVGcZQnLzw571jWqOWzC2e18DcO5C1IKBsRvJdHYzSA0ETgBuPuXq_jSKBWJv1DT7SPahTJQDneiNEbk1BKGn_sN1b7xlp4GVxMeEWtDdJ0ah8iCbzoxqe1DdQmuw4tLcJp4rk/s72-c/cong+dong+noi+tinh+yeu+lon+len.jpg
Dấu chân của Chúa Giêsu từng miệt mài trên khắp các nẻo đường của xứ Pa-lét-tin, và lời mời gọi “Hãy theo Thầy” (x.Mt 4.19) của Ngài với các môn đệ ngày nào vẫn vang vọng qua các thế hệ. Quả vậy, ơn gọi làm môn đệ Chúa Giêsu là một món quà, một hồng ân vô giá mà Thiên Chúa dành cho những ai Ngài muốn. Thế nhưng để sống trọn vẹn ơn gọi đó thật là một vấn đề nan giải. Từ những lựa chọn ban đầu cho đến những lựa chọn liên tục trong cuộc sống tu trì đòi hỏi chúng ta phải luôn xác tín về niềm tin và tình yêu của mình đối với Thầy Giêsu – Đấng chúng ta yêu mến và tin theo. Tuy nhiên, khi bước theo Ngài, chúng ta không đi một mình nhưng trong hành trình ấy vẫn có những anh chị em cùng chung một lối sống, một lý tưởng, sứ vụ… mà ta quen gọi là cộng đoàn. Trong bài viết này, người viết chỉ trình bày cảm nhận đơn sơ của mình về ảnh hưởng của cộng đoàn đối với ơn gọi và sứ vụ của người tu sĩ, với ước mong mỗi thành viên đang sống trong từng cộng đoàn luôn cảm nhận được tình yêu của cộng đoàn trong hành trình dâng hiến.
Ơn gọi ban đầu
Ngôn sứ Giêrêmia từng ghi lại cảm nhận thiêng liêng tiếng gọi của Thiên Chúa: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi, trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1.4). Ơn gọi ấy khởi đi từ tình yêu và cũng mong đón nhận lại bằng tình yêu. Những ai dấn thân trong ơn gọi tu trì đều cảm thấy rất rõ đòi hỏi về tình yêu mà Chúa Giêsu muốn nơi các môn đệ của Ngài. Tình yêu ấy không giới hạn vào một cá nhân nào nhưng cần trao ban cho tất cả mọi người, cụ thể là những ai đang cùng chung chia lý tưởng trong đời sống tu trì. Lời mời gọi của Chúa tha thiết nhưng mãnh liệt, nhẹ nhàng nhưng thúc bách. Một khi đã lắng nghe và nhận ra tiếng gọi của Ngài thì những tâm hồn thiện chí khó lòng từ chối. Các môn đệ đầu tiên đã nghe tiếng Ngài gọi và đã lên đường. Như các môn đệ, mỗi chúng ta ít nhiều có kinh nghiệm khi chạm cái nhìn đầu tiên đầy thu hút của Chúa Giêsu và quyết tâm dấn bước theo Ngài với đoàn sủng của Hội Dòng. Trong giao ước tình yêu ấy, Chúa mời gọi tất cả các tâm hồn thiện chí để nối kết họ bằng mối dây huynh đệ trong cộng đoàn để qua họ, tình yêu Thiên Chúa được thể hiện cách sống động, cụ thể hơn.
Cộng đoàn, nơi tình yêu lớn lên.
Có thể nói, nơi cộng đoàn, lòng yêu mến ơn gọi và tình thân thương giữa các thành viên trong cộng đoàn được khám phá mỗi ngày qua sự cảm thông chia sẻ chân thành. Trong ơn gọi Đa Minh, đời sống cộng đoàn là một trong những ưu tiên hàng đầu và cộng đoàn ấy chỉ có thể sống và phát triển khi có Đức Kitô làm trung tâm. Do đó, yếu tố quan trọng trong đời sống cộng đoàn là việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Nhờ Lời Chúa hướng dẫn, các thành viên trong cộng đoàn sẽ nhận ra vai trò và trách nhiệm của mình trong việc kiến tạo một cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương để phụng sự Chúa và phục vụ anh em. Chúng ta bắt gặp hình ảnh của Cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên được sách Công vụ Tông đồ miêu tả: Họ “một lòng một ý” (4.32) với nhau, chia sẻ cho nhau những nhu cầu vật chất và tinh thần: họ “siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2.42). Đối với của Chị Em Đa Minh Việt Nam thì: “Đời sống cộng đoàn phản ánh mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi nên bản chất của cộng đoàn là hiệp nhất trong đa dạng. Nguồn gốc của cộng đoàn là sự đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô, và chị em là hồng ân Chúa Cha ban cho chúng ta. Trong cộng đoàn, Chúa Thánh Thần không ngừng hoạt động để giúp chúng ta tìm biết thánh ý Chúa Cha, sống đúng các đòi hỏi của Tin Mừng và đón nhận chị em như hồng ân Thiên Chúa ban tặng. Nhờ đó, cộng đoàn trở nên thành phần mầu nhiệm Giáo Hội, nhằm phục vụ đời sống con người” (HP số 32). Được mời gọi vào trong Hội Dòng, mỗi chúng ta được đặt để trong một cộng đoàn để yêu thương, gắn bó, hỗ trợ nhau. Trong Hội Dòng, những đặc sủng, những tính cách, những con người khác nhau được quy tụ trong một tình yêu, một mục đích. Tác giả cuốn: “Đời tu, gạn đục khơi trong” có viết: “Hạt nhân của những thực hành cộng đoàn chính là tình yêu. Nói đến tình yêu là nói đến ân sủng. Tình yêu mà qua đó Thiên Chúa yêu thương ta chính là một hồng ân và hồng ân này là nguồn mạch cho bất cứ tình yêu đích thực nào….” (Nguyên tác: Refundar la Vida Religiosa, tác giả Felicisimo Diez Martinez, OP – LM Giuse Đỗ Ngọc Bảo, OP chuyển ngữ). Người tu sĩ sống trong một cộng đoàn yêu thương tựa cây trồng được vun bón bằng những dưỡng chất và khí hậu trong lành giúp cây phát triển tươi tốt và đơm hoa kết trái. Ngược lại, nếu sống trong bầu khí ngột ngạt thiếu vắng tình người thì cây sẽ èo uột, cằn cỗi. Có khi ta than phiền về cộng đoàn mình, về những chị em đang cùng chung sống… biết đâu họ cũng đang có tâm trạng giống ta. Vậy vấn đề là ở chỗ làm sao để mọi thành viên trong cộng đoàn có thể hòa hợp được với nhau. Sự cảm thông nâng đỡ giữa các chị cao niên và chị em trẻ thể hiện khi cộng đoàn chân thành chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm về cuộc sống, về sứ vụ. Thật cảm động biết bao khi người trẻ biết dừng lại để thăm hỏi, giúp đỡ các chị lớn trong cộng đoàn, còn các chị cao niên sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc đời phục vụ của mình. Tình cộng đoàn chính là động lực, là chất xúc tác cho đời sống dâng hiến. Và cũng nhờ cộng đoàn, mỗi cá nhân được thánh hóa để hoàn thiện mỗi ngày.
Cộng đoàn là sức mạnh giúp thực thi sứ vụ
Khi nhận ra ơn gọi của mình, người môn đệ cũng nhận ra rằng: Ơn gọi ấy gắn kèm với một sứ mạng mà ta phải dùng chính cuộc đời mình để thực hiện chức năng “làm ngôn sứ cho chư dân”. Với sự hiện diện của mình, người tu sĩ phải cho mọi người thấy Đức Kitô đang hiện diện cách sống động nơi bản thân. Trong cộng đoàn Đa Minh, khi thực thi sứ mạng, chúng ta không làm việc một mình nhưng là với những thành viên khác trong cộng đoàn. Muốn thế, đời sống của chúng ta phải thấm nhuần Lời Chúa và để Lời Chúa hướng dẫn, gắn kết chúng ta trong cộng đoàn. Cộng đoàn tu trì là nơi thích hợp để chia sẻ, lắng nghe và thi hành thánh ý Thiên Chúa, là nơi để học tập tinh thần yêu thương phục vụ, khiêm tốn… trong mọi sinh hoạt cá nhân và tập thể. Người viết chợt liên tưởng đến một hình ảnh so sánh vui vui: mỗi cá nhân trong cộng đoàn làm sao để mình như một trái bong bóng trên màn hình vi tính, chúng chỉ “hích” nhẹ vào nhau để giúp nhau chuyển động một cách sinh động mà không gây tổn hại cho nhau. Do đó, tình thương(đôi khi cả những trục trặc nho nhỏ trong tương quan chị em nữa) là những“cú hích” cần thiết để mọi người đều có thể cho và nhận tạo nên sức sống cho cộng đoàn.
Nhìn vào các môn đệ, ta thấy Chúa Giêsu đã “lập nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3.12-15). Người tu sĩ được thánh hiến và sai vào trần gian nối tiếp sứ mạng của Chúa Giêsu như lệnh truyền của Ngài: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt28.19). Trong ơn gọi, người tu sĩ ý thức mình được sai đi nhưng đối tượng nhắm đến để phục vụ vẫn phải ưu tiên cho cộng đoàn, nơi những anh chị em sống gần mình nhất. Người tu sĩ có thể được sai đi đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người nhưng sau những cuộc tiếp xúc ấy, họ vẫn trở về với cộng đoàn để chia sẻ những vui buồn, thành công hay thất bại để nhờ sự nâng đỡ của cộng đoàn, họ lại tiếp tục hăng hái lên đường đến với những tâm hồn đang cần họ trợ giúp…
Tạm kết
Một cộng đoàn gắn bó yêu thương vẫn là ước mơ của nhiều người. Có thể nói: cộng đoàn tu trì là một công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hoạt động không ngơi nghỉ nơi các tâm hồn. Điều quan trọng là mỗi chúng ta cần lắng nghe sự hướng dẫn của Ngài để cùng nhau bước đi trong ân sủng và tình yêu. Trách nhiệm xây dựng cộng đoàn không là công việc của riêng ai nhưng là của tất cả các thành viên đã, đang và sẽ hiện diện trong cộng đoàn. Ước mong rằng nơi mỗi cộng đoàn, nhân vị của từng người được tôn trọng để mọi người đều được triển nở theo kế hoạch mà Thiên Chúa muốn thực hiện nơi họ. Muốn như thế, chúng ta vẫn phải nỗ lực hằng ngày trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa – kiểu mẫu của mọi cộng đoàn.
Sr. Maria Hồng Tuyền