Chúa đã yêu con
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEg3KNWKrT2Ro1lXdAJwvENbAX2XbXKd7Yh229pLoIg1k4sFqd-X0L-pO9cMrclQ9wQCmue_hyphenhyphenR8g5_O6uzLvwFibvz_dxWOWZgb-wCNM0DkeSLpXcSMqoAM8Sy7oo7AZTPHKB6_JSIR8aQ/s72-c/chua+da+yeu+con.jpg
Ơn gọi là một huyền nhiệm, là sự gặp gỡ giữa lời mời gọi của Thiên Chúa và sự đáp trả của con người. Là nơi Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài cách tròn đầy nhất cho con người.
Ước mơ được trở thành một Ma Soeur đã hình thành trong con từ khi con còn bé. Con còn nhớ lần đầu tiên con xin đi tu là năm con 6 tuổi. Lý do là vì con thích ăn mận ở nhà các Soeurs. Hồi đó con thấy cây mận nhà các Soeurs ngon ơi là ngon, thế là một hai con đòi ba mẹ cho con vào ở với các Soeurs Dòng Nữ Vương Hòa Bình ở giáo xứ của con. Nhưng con chỉ ở đúng một ngày là con khóc đòi về, vì ở trong đó buồn quá chẳng có bạn nào chơi cùng, ăn mận cùng con.
Với thời gian con dần lớn lên với những ước mơ vụng dại, và ước mơ trở nên một Ma Soeur phai dần trong con. Nhưng vào năm con học lớp 8, được gặp lại các nữ tu Đa Minh Tam Hiệp, thì ước mơ trở thành Ma Soeur lại trỗi dậy. Con xin ba mẹ cho con đi tu nhưng ba mẹ con không chấp nhận, lý do là con còn nhỏ, muốn đi tu thì phải học xong lớp 12 mới cho đi. Nghe vậy, con im lặng và tự nhủ mình sẽ cố gắng học để được đi tu. Sau khi học xong lớp 12, ba mẹ vẫn không đồng ý với lý do con bị viêm xoang, Nhà Dòng sẽ không nhận. Con nghĩ có lẽ con không có ơn gọi đi tu, nên con cầu nguyện nhiều hơn để xin Chúa dẫn con đi đúng thánh ý Chúa. Nhưng chưa được bao ngày thì Chúa mời gọi con qua một biến cố khác. Năm đó em gái của con xin vào Hội Dòng và được chấp nhận, Soeur Phụ trách Thỉnh viện nói với mẹ con là có con bé nào xin đi tu mấy lần mà chưa được thì cho em ấy vào để ở thử luôn, xem em tu được không. Con đã lên đường để thử. Có ngờ đâu việc ở thử của con đến nay đã được gần 15 năm tròn.
Để được đi tu thử thì mấy ngày trước đó con phải luôn ở trong tư thế của một người bị thẩm vấn, vì ba con suốt từ sáng đến tối luôn cật vấn con có muốn tu thật không? Và sau đó ba mẹ liệt kê ra một loạt những khó khăn vất vả khi đi tu, đồng thời cũng cho con biết là với sức khỏe yếu ớt đau lên ốm xuống của con, ba con sợ con không kham nổi những khó khăn vất vả trong Nhà Dòng, rồi ba bảy hai mốt ngày là đòi về. Nhưng đối với con, “Một ngày tại khuôn viên Thánh điện, quý hơn cả ngàn ngày” (Tv 84,11a), nên dù nghe nói về những khó khăn trong nhà Dòng con vẫn không nản lòng. Con thưa với ba của con: Thưa ba, dù thế nào thì con cũng đi tu. Thế là sáng ngày 13/7/1998 ba con dẫn chị em chúng con đến Nhà Dòng.
Sau khi giao ba chị em cho quý Dì giáo, ba con ra về, lúc này con mới thấy lo bởi vì các chị thì toàn nói giọng Bắc, còn con từ trước tới nay chỉ nói giọng Trung, con nói các chị không hiểu, mà các chị nói con cũng chẳng hiểu. Từ trước đến nay, khi đi đâu con luôn có người đưa đi, và không cần phải nói gì, bởi đã có ba mẹ nói thay cho con. Thế mà nay, vào Dòng con phải tự thân vận động, con không biết phải bắt đầu từ đâu, phải nói như thế nào… con hoàn toàn lúng túng, đi đâu hay làm gì cũng sợ, không biết mình có được phép không. Nhưng rồi, trong sự tín thác vào Chúa và nhờ sự nâng đỡ của quý Dì và chị em, mọi việc trong thời Thỉnh Sinh của con đã trôi qua tốt đẹp.
Sau khi hoàn tất các chương trình học của Thỉnh Viện, cùng với 13 chị em, con bước vào Tiền Tập viện. Lớp Tiền Tập chúng con được Dì giáo nhận cho là Lớp Rabouni, vì chị em chúng con ước mong được ngồi dưới chân Chúa Giêsu, được trở nên môn đệ của Ngài. Năm sau, 10 chị em chúng con bước vào năm Tập – năm sa mạc, để chúng con được lòng kề lòng với Chúa bằng chính đời sống cầu nguyện và thinh lặng. Bởi chỉ trong thinh lặng con mới thấy rõ được lòng mình, mới nhận ra được con đường Chúa muốn con bước theo. Ngày từng ngày, con được tắm mát trong dòng sông ân sủng của tình yêu Thiên Chúa và sự chăm bẵm của Mẹ Hội Dòng. Cũng chính trong năm sa mạc này, Chúa giúp con bỏ đi những hành trang cồng kềnh không cần thiết và không phù hợp cho cuộc sống người môn đệ. Sau thời gian huấn luyện có lẽ Chúa thấy con đã cứng cáp hơn, nên Chúa đã mời gọi con kết ước cùng Ngài qua 3 lời khấn Dòng.
Sau ngày tuyên khấn, con được Mẹ Hội dòng cho lên Thành phố Hồ Chí Minh để bổ sung kiến thức về Chúa, về Giáo hội, để mỗi ngày con biết và yêu mến Chúa hơn, bởi “vô tri bất mộ”. Con cám ơn Chúa, cám ơn Mẹ Hội dòng đã cho con hồng ân quý báu này. Sau ba năm đèn sách, phương trời sứ vụ mở ra trước mắt con. Con nhận thấy con còn non dại trong cách xử thế, khả năng ăn nói thì yếu kém, như ngôn sứ Giêrêmia con thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con không biết ăn nói” (Gr 1,6). Và Chúa đã bảo con: “Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi, sai ngươi nói gì ngươi cứ nói”, và “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12,9a). Con can đảm bước đi vì con tin Chúa luôn ở cùng con.
Con bắt đầu thời gian thực tập Tông đồ tại Tu viện Thánh Giuse II – Bình Phước. Nhiệm vụ chính của con là dạy học. Với những thay đổi lớn trong ngành giáo dục con nhận thấy tự sức con, con khó có thể đảm đương nổi trách nhiệm này, nên khởi đầu ngày sống, con luôn dâng lên Chúa công việc trong ngày của con. Đồng thời xin Chúa giúp con trong công tác để bảo đảm sự an toàn của các cháu, và giúp con biết lấy tình yêu mà đối xử và dạy dỗ các cháu. Và, năm thực tập đầu tiên của con đã kết thúc bình an.
Năm thứ hai con được sai đi thực tập tại cộng đoàn Mẹ Mân Côi I – Hưng Bình. Khi nhận bài sai, con rất sợ bởi vì Tu xá Mẹ Mân Côi I là cộng đoàn phục vụ giáo xứ, mà phục vụ giáo xứ thì tất nhiên trong đó sẽ có phụ trách ca đoàn. Mà khả năng đàn hát của con thì ‘vượt quá yêu cầu’, con biết đàn mà đàn không chịu biết con, còn giọng hát của con thì hay cỡ… “con vịt nuốt phải dây thun”, vậy thì làm sao con tập hát đây? Nhưng Chúa biết rõ con nên Chúa không để con phải lo lắng thêm về vấn đề này, Chúa đã sai một người chị em rất có tài cùng đi với con. Con an tâm chuyển đến cộng đoàn mới, nhưng ở đây chưa đầy một tuần thì xảy ra một biến cố làm con nhớ đời. Chẳng là khi còn ở cộng đoàn Thánh Giuse II – Bình Phước, con có đi mổ viêm xoang, và 10 ngày sau thì con chuyển về cộng đoàn Mẹ Mân Côi I, mặc dù vết mổ chưa lành hẳn, nhưng con thấy mình rất khỏe khoắn, không mệt nhọc gì, nên con vẫn làm việc bình thường, không ngờ ở Hưng Bình chưa được một tuần thì vết mổ bị bong ra, và hậu quả là máu chảy không ngừng được, con được các Dì đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Đồng Nai, con được nhét mét và nhập viện để theo dõi. Sau ba ngày, các bác sĩ cho rút mét và kiểm tra thấy sức khỏe con tốt, họ quyết định cho con ngày hôm sau sẽ xuất viện. Thế nhưng ý Chúa lại khác, có lẽ Chúa thấy con vẫn chưa biết sợ là gì, nên ngay đêm ấy, lúc con đang ngủ, con thấy mình khó thở, lại cảm thấy ướt ướt bên má, con mở mắt ra, thì ôi thôi, máu đang phun thành dòng, bác sĩ lập tức cấp cứu cho con. Nhưng lần này việc nhét mét hình như vô tác dụng, máu vẫn tiếp tục chảy, các y tá trực vội gọi cho Bác sĩ trưởng và phó khoa, nhưng các bác sĩ không có nhà. Cuối cùng bác sĩ trực đêm hôm đó quyết định chuyển con lên bệnh viện Chợ Rẫy. Khi lên xe, thấy có cô y tá nên cũng an tâm, ngờ đâu cô y tá này mới ra trường và vào làm việc tại bệnh viện hơn 1 tháng, lại chưa chuyển bệnh nhân bao giờ nên cô cũng không biết khi nhập viện phải thực hiện những gì. Lúc nằm trên xe, con thấy sức khỏe của con rất yếu, nhưng bên tai con, con vẫn nghe văng vẳng tiếng cô y tá năn nỉ: “Dì ơi, Dì đừng chết, Dì mở mắt ra đi Dì, con xin Dì mà“. Con nghe và cố gắng mở mắt ra nhưng sao mí mắt cứ xụp xuống, con muốn giơ tay trấn an cô y tá, nhưng tay con cũng không nhấc lên nổi, con đành chấp nhận nằm yên. Đến khi con mở mắt ra được thì con thấy mình đã ở trong Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, có lẽ thấy con không nguy hiểm tính mạng, nên con được chuyển vào khoa Tai-Mũi-Họng để theo dõi. Dù con cảm thấy đứng không vững, nhưng vâng lời bác sĩ, con cố gắng tập đi. Khi đứng lên, do số lượng máu trong người không đủ để đưa ôxy lên não, nên con đã bị ngất. Rồi trong đêm máu lại tiếp tục chảy, nhưng vì mũi đã bị bịt kín bởi dây mét, nên thay vì máu chảy ra ngoài, nó lại chảy xuống cổ họng con làm con thở không được, và con lại lịm dần đi. Lần này con được đưa vào phòng cấp cứu và cho thở ôxy suốt đêm. Nằm trên giường con nhận thấy thân phận “con người thật chỉ như hơi thở, thấp thoáng trên đường tựa bóng câu”(Tv 38,6-7). Con than thở với Chúa: “Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa, cắt đứt ngay hàng chỉ” (Is 38,12b). Nhưng lạy Chúa, con tin “Chúa bảo vệ và giữ gìn mạng sống, lại ban cho hạnh phúc trên đời. Chúa chăm nom khi liệt giường liệt chiếu, lúc bệnh hoạn người chữa cho lành. Lạy Chúa, xin thương xót và chữa lành con, quả thật con đắc tội với Ngài” (Tv 40, 3-5). Vì cảm thấy mình vẫn còn bất xứng nên con xin được lãnh các Bí tích sau cùng, và quý Dì đã giúp con trong việc mời cha đến ban các Bí tích cho con. Sau khi lãnh các Bí tích con an tâm chờ đợi Chúa đến. Nhưng giờ Chúa gọi con chưa đến. Lúc này con chỉ biết thưa lên với Chúa: “Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt… Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, con kêu lên cùng Chúa và Ngài đã cho con bình phục. Từ âm phủ Ngài đã kéo con lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống. Lạy Chúa, vì yêu thương Chúa đã đặt con trên núi an toàn. Xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu”(Tv 30,2-4).
Con xin mượn những trang viết quí báu này để cám ơn Mẹ Hội dòng, Quý Dì, Quý chị em đã lo lắng cầu nguyện, thăm hỏi, sẻ chia, và đặc biệt là các chị em trong gia đình Học Viện tiếp máu cho con. Con cũng cám ơn qúy Dì và chị em trong Tu xá Mẹ Mân Côi đã nâng đỡ, an ủi và khích lệ và gánh vác công việc cho con trong thời gian con dưỡng bệnh. Con dâng lời cảm ơn tới ba mẹ con, trong những ngày nằm viện, ba mẹ đã lo lắng chạy ngược chạy xuôi để lo cho con. Ân tình này con không bao giờ quên. Nguyện xin Thiên Chúa trả công bội hậu xuống trên Mẹ Hội dòng, Ba Mẹ, Quý Dì, quý chị em thay cho con.
Năm thực tập thứ ba con được sai đến Tu viện Truyền Tin. Công tác của con trong cộng đoàn là dạy học và đi phục vụ tại Giáo xứ Đa Minh.
Qua ba năm thực tập sứ vụ tại các cộng đoàn, con đã nhận được rất nhiều bài học từ đời sống cộng đoàn cũng như sứ vụ: Bài học của tình yêu thương, của đối nhân xử thế, của lòng vị tha, nhẫn nại, đặc biệt là con có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu khi làm việc tông đồ. Con thấy mình trưởng thành và lớn lên rất nhiều trong công việc cũng như trong đời sống cộng đoàn.
Hết thời gian thực tập, cùng với các chị em con được Mẹ Hội Dòng dành cho một năm để hồi tâm dọn Khấn trọn. Đây là dịp để con nhìn lại quãng đường đã qua và duyệt xét lại bản thân trong việc sống ba lời khuyên Phúc Âm.
Trước hết, với lời khấn Khiết Tịnh, con tâm niệm: “Người trinh nữ chuyên lo việc Chúa, thì thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác” (1Cr 7,34) Bởi lẽ “Khi tuyên khấn sống khiết tịnh vì Nước Trời, con đã công khai cam kết tiết dục hoàn toàn trong đời sống đôc thân”. Đây là một đòi hỏi “đụng chạm đến khuynh hướng thâm sâu của con người”, nên ý thức thân phận mỏng dòn yếu đuối, với ơn Chúa con sẽ luôn cố gắng thức tỉnh mình trong tương quan với người ngoài, với chị em và với chính bản thân.
Bên cạnh đó, với lời khấn Khó Nghèo, Chúa Giêsu đã nói “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó vì Nước trời là của họ” (Mt 5,3). Quả thật, Đức Kitô là mẫu gương sống khó nghèo tuyệt vời nhất, chính Ngài đã trút bỏ hết vinh quang của một Thiên Chúa, để mặc lấy thân phận một người nghèo: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu”(Mt 8,20). Vì vậy, bước theo Chúa Giêsu khó nghèo, con xác tín mình phải dâng cho Chúa quyền sở hữu của cải, kể cả việc từ bỏ những vật dụng nho nhỏ mà con thích và tích trữ. Quả thật, qua biến cố nằm viện, con cảm nghiệm sâu sắc điều mà sách Giảng viên đã dạy: “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,2). Giờ đây, con xin phó thác tất cả trong bàn tay yêu thương của Chúa, Ngài luôn quan phòng và an bài mọi sự cho con cách tuyệt hảo nhất.
Sau cùng, như Chúa Giêsu đã sống vâng phục và vâng phục cho đến chết. Khi tuyên khấn Vâng phục, con cũng được mời gọi dâng hiến ý muốn mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Chính mẫu gương vâng phục của Chúa Giêsu nhắc nhở con phải từ bỏ ý riêng, tập sống khiêm nhường hơn trong đời sống hằng ngày trong tương quan với Chúa, với cộng đoàn và với bản thân.
Với ba Lời Khấn, con chỉ tâm niệm một điều là con cần cố gắng hơn mỗi ngày và cùng với ơn Chúa giúp, con sẽ sống đẹp lòng Chúa mỗi ngày một hơn.
Dù đời tu của con chưa dài, nhưng đã có lúc con cảm thấy lòng mình thật thênh thang, thanh thản nhưng cũng có lúc con lại thấy tâm hồn con như muốn chùng xuống buông xuôi vì những trái ý, những thử thách, đau khổ gập ghềnh …. Những lúc ấy con cố vùng vẫy để thoát ra, nhưng càng vùng vẫy con càng cảm thấy ngộp thở, và tưởng như sắp chìm, con vội kêu lên như Thánh Phêrô trên dòng đời đầy sóng gió: Lạy Chúa, xin cứu con! Chúa đã trả lời: Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! (x. Mt 1429; Mc 6,50). Rồi Chúa đưa tay bế và đặt con trên vai, đem con ra khỏi vũng lầy và con lại được bước đi trên con đường của Chúa.
Vâng, Chúa đã yêu con như vậy đó, dù con không đáng để Chúa yêu. Nên đứng trước hồng ân cao cả này con chỉ biết cúi đầu và thưa lên cùng Chúa “Tình thương Chúa đời đời con ca tụng” (Tv 88,2 ). Con xin tạ ơn Chúa vì Chúa đã không chê bỏ con, đã yêu con và chấp nhận con, dù con bất tài và bất xứng. Ước chi cuộc đời con sẽ mãi là bài ca tạ ơn Chúa. Dù có lúc con hát không đúng cung hoặc lỗi nhịp, nhưng con tin chính Chúa sẽ chỉnh sửa để bài ca tạ ơn được thánh thót và hoàn chỉnh hơn.
Con xin chân thành ghi ơn Mẹ Hội Dòng, Dì Tổng, quý Dì trong Ban Tổng, quý Bề trên, quý Dì Giáo, quý Dì và các chị em đã yêu thương đón nhận và nâng đỡ con trên hành trình dâng hiến.
Con cũng không quên ghi sâu công ơn của Ba Mẹ, các chị em, cùng những người thân hữu đã cách này hay cách khác vun xới cho cây ơn gọi đời con mỗi ngày mỗi lớn lên hơn.
Agatha HNGT