.

Du lịch kết hợp Teambuilding và Gala Dinner. Đăng kí ngay! Chùm tour du lịch thu 2013 - Xem ngay >> Dich vu Visa - Passport Du lịch kết hợp Teambuilding và Gala Dinner. Đăng kí ngay! Chùm tour du lịch thu 2013 - Xem ngay >>

Israel - Miền Đất Linh Thánh

Israel - Miền Đất Linh Thánh
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEizao8viwLILXCDiRkbz7eK0oB-ASENwYTm3ogU5YInVwE_ltX6POnhHpoX2Kva1_zlDLbZ-t_vza7ze1s1pqFYap-qgElOePcMRHk0lwO7g8GAemODv0h4-qioRvapui86WgqN5TXFCmk/s72-c/Collage_Holy-Land.png
lu hanh cong giao
ISRAEL – MIỀN ĐẤT LINH THÁNH (1)
Trong cuộc đời mỗi người Kitô hữu, ai cũng ao ước được đặt chân đến Đất Thánh, miền đất mà Chúa Giêsu đã sinh ra, lớn lên, rao giảng Tin Mừng rồi Tử nạn và Phục Sinh. Một Đức Giêsu lịch sử, đã làm người, sống tại đất nước Do Thái. Đặt tay lên tảng đá nơi Đức Mẹ quỳ gối đáp lời “Xin vâng”, quỳ cầu nguyện trước tảng đá mà Chúa Giêsu đã quỳ cầu nguyện trước cuộc khổ nạn, hôn kính tảng đá nơi đặt xác Chúa Giêsu hạ xuống từ thập giá…và bao nhiêu địa danh khác gắn với cuộc đời Đấng Cứu Thế, thật đáng yêu đáng kính, hấp dẫn mời gọi.

Israel.

Israel là thành viên của Liên hợp quốc. Thuộc Trung Cận Đông, có diện tích: 25.000km2., dân số: 7.000.000 người. Ba thành phố lớn là Jerusalem gần 1.000.000 dân, Tel Aviv 500.000, và Haifa 400.000 dân.

Đất nước Israel đầy núi đồi, ngọn cao nhất là núi Hermon chạy dọc theo ranh giới phía bắc, phân cách Israel với Lyban và Syria cao khoảng 2814m, phần đất Palestina vào thời hai vị vua danh tiếng nhất là Đavid (1015-1075) và Salomon (1070-1030). Vào những thế kỷ kế tiếp, Do Thái bị các quốc gia hùng mạnh hơn đến chiếm cứ và bị bắt đi lưu đầy ra khỏi nước. Lần sau cùng là năm 70 SCN, khi dân Do Thái nổi lên chống lại sự cai trị hà khắc của đế quốc Rôma thì tướng Titô được lệnh hoàng đế đưa quân sang dẹp tan cuộc nổi dậy của dân Do Thái, phá hủy hoàn toàn Thành Thánh, đền thờ nguy nga của thành Jerusalem, và bắt dân Do Thái lưu đầy khắp nơi trong đế quốc Rôma thời đó. Khi đế quốc Rôma sụp đổ vào thế kỷ thứ V, những người Do Thái phải sống tản mác ra tại các quốc gia ở Âu Châu. Lần mất quê hương này dài 19 thế kỷ từ năm 70 sau CN đến năm 1948.

lu hanh cong giao
Bản đồ Đất Thánh Israel
Người Do Thái tản mác giữa các dân tộc luôn luôn nuôi ý tưởng trở về vùng đất hứa của họ. Đến năm 1948 phong trào trở về xây dựng quê hương được thực hiện, họ trở về tranh đấu lập một quốc gia độc lập. Đầu thế kỷ 20, dân Do Thái ở Âu Châu, nhất là ở Liên xô bị đàn áp tàn nhẫn, họ tìm về quê hương càng nhiều. Trong thế chiến thứ II, số người rải rác khắp nơi khoảng 16 triệu người, và Hitler đã giết hơn 6 triệu dân Do Thái tại các trại tử thần (death camps), lò hơi ngạt (gas chambers), những cuộc tàn sát này được gọi là cuộc sát sinh tập thể (Holocausts). Ngày 14-05-1948 là ngày tuyên bố độc lập của Do Thái… Năm 1949 được Liên Hiệp Quốc công nhận, nhưng cũng từ đó phát sinh ra các cuộc chiến tranh Do Thái, Ả Rập, Hồi Giáo. Chiến tranh đã và đang tiếp diễn qua các cuộc khủng bố tàn bạo trong nhiều năm qua.

Theo cách chia truyền thống, Israel bao gồm 3 miền : Bắc Galilée, Trung Samari, Nam Judée. Nhưng người ta thường chia theo thổ nhưỡng thành 3 miền song song theo chiều dọc Bắc Nam :

(1) vùng đồng bằng ven biển Địa trung hải tươi tốt dài chừng 180 km, chen lẫn những núi đồi lớn nhỏ, với những thành phố xinh đẹp như Akko, Haifa, Cesarée, Tel Aviv.

(2) vùng núi đồi xương sống nhô lên từ Bắc chí Nam

(3) vùng thung lũng sông Jordan , còn gọi là hố rãnh, nhiều khi nóng tới 40 độ. Vẻ đẹp của ISR chính là ở những thay đổi liên tục về địa lý và cảnh quan như thế.

Đất nước Israel đi đâu cũng toàn thấy đá. Những đồi núi đá chập chùng nhìn ngút mắt. Những cánh đồng ngổn ngang những viên đá tảng. Rất nhiều sa mạc, nghèo về tài nguyên nhưng Israel là nơi được biết đến nhiều nhất trên thế giới với tên gọi quen thuộc được mọi người nhìn nhận: Đất Thánh. Đất mà Đấng Cứu Thế đã sống, đã giảng dạy, đã làm phép lạ, đã chịu khổ hình thập giá. Du khách hành hương bùi ngùi xúc động, thành kính chiêm ngưỡng những dấu tích Chúa đã đi qua. Yêu mến quỳ gối hôn lên những tảng đá đặc biệt với lời cầu nguyện tha thiết.

A.MIỀN BẮC GALILÊ

Phong cảnh xinh đẹp quyến rũ của Galilê trải dài từ thung lũng Hula tới vũng biển Galilê về phía Đông và vùng Địa Trung Hải về phía Tây.

lu hanh cong giao
Miền Bắc Galile
Galilê có nhiều rặng núi nằm gấp khúc gọn gàng giữa các đỉnh. Đỉnh cao nhất là ngọn Meiron với khu bảo tồn thực vật xanh rộng lớn. Mổi một đỉnh núi tạo ra một phong cảnh xinh đẹp và ấn tượng khác nhau. Các rặng núi và thung lũng đều rất màu mỡ và đa dạng với hệ động vật phong phú.

Thời xa xưa, nguồn tài nguyên phong phú của khu vực này đã thu hút con người đến định cư. Do vậy nên càng ngày ta vẫn còn thấy vết tích của nền văn hóa cổ tồn tại bên cạnh những khu định cư hiện đại. Vùng Galilê rất gần biển hồ Galilê và Địa Trung Hải tạo nên một mảng đa sắc khiến du khách nào đến đây sẽ có cơ hội thưỡng lãm vẻ đẹp tinh túy cả hai vùng biển.

Phong cảnh của Galilê có thể được chia thành 2 khu vực rõ rệt:

Thượng nguồn Galilê ở phía Bắc và hạ nguồn Galilê ở phía Nam. Sự chênh lệch độ cao so với mặt biển của 2 vùng giúp ta định rõ hai vùng lãnh thổ.Đồng thời sự chênh lệch của này cũng tạo nên sự khác biệt nhỏ về khí hậu. Thời gian trôi qua, đã hình thành một hệ động thực vật muôn màu muôn vẻ cùng với sự đa dạng về nền văn minh nhân loại.

1.NAZARETH

Nazareth “Thành phố truyền tin” thành phố của Đức Maria “Mẹ của Chúa Giêsu”. Trong thị trấn này sứ thần Gabriel đã truyền tin rằng bà Elizabeth đã mang thai thánh Gioan Tẩy giả.

lu hanh cong giao
Toàn cảnh Nazareth
Đây là nơi Chúa Giêsu “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” Nơi đây Ngài đã học việc của một người thợ mộc. Sau đó, trong khi thi hành án sứ vụ công khai rao giảng Tin Mừng, Ngài đã trở về Nazareth. Nơi hội đường, Ngài đọc sách ngôn sứ Isaia: “thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cần biết họ được tha, cho người mù được sang mắt, trả lại tự do cho người bị áo bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa”. (Lc 4:18-19).

Ban đầu mọi người chăm chú lắng nghe và tỏ vẻ thán phụ về sự uyên thâm của Ngài, muốn Ngài “biểu diễn các phép lạ, Ngài đã nói thẳng với họ “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. “Họ đứng dậy lôi Ngài ra khỏi thành, kéo Người lên tận đỉnh núi, định xô người xuống vực, nhưng Ngài băng qua giữa họ mà đi”. (Lc 4:29-30).

lu hanh cong giao
Vương cung thánh đường Truyền Tin
2.VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG TRUYỀN TIN

Vương cung thánh đường Truyền tin được xây dựng nơi sứ thần Gabriel hiện ra laon báo cho Đức Maria rằng bà sẽ là mẹ của Đấng Cứu Thế.

Đây là một trong những nhà thờ lớn và nguy nga nhất vùng Thánh Địa, Thánh đường với lối kiến trúc mới, cung hiến vào năm 1969, được xây dựng thành 2 tầng để hòa hợp và đồng thời vẫn bảo quản được những di tích cổ.

lu hanh cong giao
Bên trong Vương cung thánh đường Truyền Tin
Trung tâm của tầng dưới là một nhà nguyện nhỏ trông như một cái hang, bao bọc quanh là những di tích còn sót lại của nhà thờ thời Thập Tự Chinh và thời Byzantine đã được các cha dòng Phanxico đã tái cấu trúc lại vào thế kỉ 18.

Ở tầng trên là thánh đường với kiểu kiến trúc hiện đại với 1 mái vòm khổng lồ bao trùm bên trên. Chung quanh, và bên trong nhà thờ có bộ sưu tập nghệ thuật rất giá trị về Đức mẹ theo sắc thái văn hóa của các dân tộc trên thế giớ, trong đó cả Đức Mẹ với tước hiệu Nữ Vương Việt Nam. Rất nhiều những tranh cẩm ngọc quý, những tượng dát vàng, những tranh bằng nghệ thuật Mosaic… làm nổi bật vẻ đẹp lộng lẩy của thánh đường.

Bên dưới sàn nhà thờ thời Byzatine, các nhà khảo cổ học khám phá được những vét tích còn sót lại thành cổ Nazareth; nền nhà, kho thuốc, côt nhà, hầm chứa rượu hoặc dầu và đồ gốm.

Các hang động và thánh tích khác, dường như được sử dụng trong các nghi lễ thời kỳ sau này.

Trên tường nơi hang động, người hành hương đã lưu lại các bức tranh và họa phẩm, thậm chí cả bút tích của họ. Một trong số đó có dòng chữ viết “XE MAPIA” tiếng Hi Lạp “ Kính mừng Maria” là lời sứ thần Gabriel thốt lên khi loan báo tin mừng cho mẹ Maria.

lu hanh cong giao

Bức tường theo chữ L ngoài nhà thờ, có rất nhiều bức tranh khảm đá hình Đức Mẹ của nhiều nước trên thế giới. Chúng tôi cảm động dừng chân trước bức ảnh Đức Mẹ Việt Nam, thực hiện bằng mỹ thuật ghép đá màu (mosaic), bên cạnh Đức Mẹ Thái Lan. Đây là bức tranh của họa sĩ Nguyễn Khắc Nhân do một phái đoàn hành hương Việt Nam dâng tặng năm 1989.

lu hanh cong giao
Mặt tiền đường Vương cung thánh đường Truyền Tin
Gần đây nhất là nhà thờ thánh Giuse cũng thuộc dòng Phanxicô coi sóc.Theo tục truyền nhà thờ được xây dựng trên vết tích xưởng mộc của thánh Giuse. Tại đấy thánh Giuse đã dạy Chúa Giêsu nghề thợ mộc. Ở tầng hầm của nhà thờ còn lưu giữ một vại chứa nước dự trữ đẽo bằng đá, một kho thóc và một hầm mỏ.

lu hanh cong giao
Nhà thờ Thánh Giuse
lu hanh cong giao
Xưởng mộc Thánh Giuse
Ở trung tâm của Nazareth cổ là giếng Maria. Đã có lúc đây là nguồn nước duy nhất trong thành phố. Có đường dẫn nước từ dòng suối chảy đến giếng . dân thị trấn thường tụ tập ở đây để kéo nước từ giếng đổ vào bình, chậu của họ. Điều này có nghĩa là Mẹ Maria và Chúa Giêsu đã từng đến đây để lấy nước.

lu hanh cong giao
Giếng nước Đức Mẹ
Bên cạnh giếng Maria là nhà thờ sứ thần Gabriel thuộc Giáo Hội Chính Thống Giáo Hy Lạp. Nhà thờ tọa lạc trên dòng suối nên du khách có thể nghe tiếng nước chảy róc rách vui tai khi tới đây. Theo một truyền thuyết khác ghi trong tin mừng thứ nhất (Protoevangelium) của thánh Giacôbê được giáo hội Chính Thống dung làm truyền thống, tổng lãnh thiên thần Gabriel hiện ra với Đức Maria khi người đang ra giếng để lấy nước.

lu hanh cong giao
Nhà thờ sứ thần Gabriel thuộc Giáo Hội Chính Thống Giáo Hy Lạp
Nhà thờ được xây dựng trên các di tích còn sót lại của các nhà thờ xưa được thập tự quân xây dựng và được Giáo Hội Chính thống Hy Lạp trùng tu vào thế kỉ thứ 18..

Nazareth có rất nhiều nhá nguyện và thánh đường. Một vài số này được xây dựng trên các tàn tích của các nhà thờ cổ xưa từ thời Byzantine và Thập Tự Chinh.

3.NHÀ THỜ HỘI ĐƯỜNG

lu hanh cong giao
Hội đường Do Thái cổ
Ngôi nhà thờ được đánh dấu thời điểm Chúa Giêsu bắt đầu các thừa tác vụ công khai của Ngài ở Nazareth: Ngài vào hội đường vào ngày Sabat đứng lên đọc sách thánh – sách ngôn sứ Isaia và Ngài bắt đầu nói với họ. ( Lc: 4, 16-27).

Nhà thờ này hiện nay thuộc quyền coi sóc của Giáo Hội Hy Lạp Melkite theo nghi lễ Byzantine, hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo La Mã.

4.VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG CHÚA GIÊSU THỜI NIÊN THIẾU

Tọa lạc trên ngọn đồi phía Bắc Nazarét, với lối kiến trúc duyên dáng và một pho tượng rất đẹp của Chúa Giêsu thời niên thiếu, từ nơi đây toàn cảnh thị trấn Nazarét thật ấn tượng, quyến rủ và sinh đẹp trải dài dưới chân bạn. Các cha dòng Saledieng Don Bosco chăm sóc và cai quản thánh đường này.

Phía bên kia sườn núi là nơi kỷ niệm Chúa Giêsu biến đi thật kỳ diệu trước những con mắt giận dữ của dân trong thị trấn (Nghe vậy mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ, Họ kéo người lên tận đỉnh núi để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi. (Lc 4, 28-30).

Ở trung tâm thành phố vẫn tồn tại khu phố mới và cũ xen lẫn nhau, trung tâm của các hoặc động thương mại. Khu chợ bán các đủ loại đặc sản địa phương: dầu ôliu, phó mát (Labane), các loại hương liệu và các sản phẩm được sản xuất trong vùng Galilê.

5.CANA.

Cana là nơi Chúa làm phép lạ đầu tiên, hóa nước thành rượu hảo hạng (Ga 2, 1-12). Cana cách Nagiarét 7km về hướng Bắc. Một vùng nông thôn nằm giữa Nazarét và hồ Tibêria, ngày nay gọi là Kefr Kenna. Cana cũng là quê hương của tông đồ Nathanael (Batôlômêô). Những chum đá đựng nước đã hóa rượu vẫn còn lưu giữ, những chai rượu Cana làm quà lưu niệm, giấy chứng nhận hôn phối của cha phụ trách nhà thờ Cana…là những thông tin làm cho chúng tôi nôn nao muốn đến ngay Cana.

lu hanh cong giao
Nhà thờ tiệc cưới Cana
Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ đầu tiên tại đây. Ngài biến nước thành rượu (Ga 2,1-12). Tiệc đang vui vẻ mà rượu gần cạn. Gia đình lo lắng, sợ mất mặt với khách dự tiệc… Mẹ Maria quan tâm đặc biệt. Mẹ ngỏ ý với Chúa: họ hết rượu rồi. Chúa bảo gia nhân : “Hãy đổ nước đầy chum”. Họ đổ tới miệng chum. Và Chúa bảo họ: “Bây giờ hãy múc nước đem cho người quản tiệc”. Nước đã biến thành rượu ngon, khiến người quản tiệc bỡ ngỡ, thực khách vui mừng.

Chúa Giêsu còn thực hiện một phép lạ khác tại Cana: chữa lành cho con một sĩ quan cận vệ nhà vua (Ga 4,46-54).

Từ chỗ dừng xe phải leo lên một đoạn dốc cao, hai bên có nhiều quày hàng bán quà lưu niệm vui vẻ mời chào.Chúng tôi thấy một ngôi Thánh đường có hai tháp, biểu tượng cho đôi lứa và một vòm ở giữa tượng trưng sự tận hiến của đơn vị gia đình.

lu hanh cong giao
Chum rượu thời Đức Giêsu
Bên trong thánh đường, người ta đặt chum rượu của thời Chúa Giêsu một cách cung kính ở ngay Cung Thánh. Những chum đá dưới bàn thờ cũng như ở tầng hầm có từ thế kỷ V, có hình dáng như chum đá tại tiệc cưới Cana ngày xưa, như muốn nói về đặc ân mà Chúa muốn dành phép lạ đầu tiên để thánh hóa tình yêu lứa đôi, để kiện toàn thể chế gia đình bền vững. Có một chum đá to được trưng bày trang trọng cho khách tham quan ngắm nhìn, đây là 1 trong 6 chum đá của phép lạ Cana đựơc các nhà khảo cổ tìm thấy.

lu hanh cong giao
Bên trong Nhà thờ tiệc cưới Cana
Có nhiều đoàn hành hương đã cử hành nghi thức lập lại lời hôn ước cho những cặp vợ chồng tại nhà thờ Cana. Có những đoàn chọn Cana để kỷ niệm ngày thành hôn. Xin Chúa chúc lành cho hạnh phúc lứa đôi tại nơi này thì thật là ý nghĩa.

Bên cạnh Nhà thờ Công Giáo còn có Nhà thờ Chính Thống Hy Lạp, cũng được xây dựng để kính nhớ phép lạ Cana.

Có nhiều quầy bày bán quà lưu niệm. Những chai rượu Cana là quà mừng cho người thân bạn bè được du khách ưa chuộng nhất. Rượu nho sản xuất tại Cana, nhưng ai cũng mua vài chai làm quà tặng quý giá như rượu chính phẩm được Chúa làm phép lạ năm xưa.

6.BIỂN HỒ GALILÊ

Biển hồ Galilê và những thung lũng phì nhiêu bao bộc xung quanh tạo dáng như một khu vườn Thiên Đàng. Không phải ngẫu nhiên mà vùng biển hồ này là nơi xảy ra nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Bên dòng nước này Người đã chọn những môn đệ đầu tiên, chữa lành bệnh tật và rao giảng tin Mừng Nước Trời. Phúc âm ghi lại rằng Chúa Giêsu đi trên biển hồ Galilê ( Mt 14, 22-23).

Vào một lần khác Người đã truyền cho biển im song lặng, khiến cho những môn đệ của Người kinh ngạc nói với nhau: “Vậy là Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh?” (Mc 4,35-41).

lu hanh cong giao
Biển Hồ Galile
Kinh thánh nói đến biển hồ Galilê dưới nhiều tên khác nhau. Theo Cựu Ước thì nó được gọi là biển của Chinnereth hay là Chinneroth, có lẽ là do thành phố trùng tên nằm ở bờ biển Tây Bắc. Ngành khảo cổ học đã khai quật được những chuồng gia súc của người Tel Kinnerot (Chinnereth) cho thấy một số vét tích của người cổ đại từng sống ở đó. Trong Tân Ước, Thánh sử Gioan gọi là biển Tiberias (Gioan 6:1). Trong khi thánh Luca gọi là hồ Gennesaret vì hình dáng của nó giống chiếc đàn cầm.

Biển hồ Galilê đã thu hút những cư dân quanh vùng từ thế hệ này đến thế hệ khác vì nước rất trong và cá thì rất ngon. Những nhà khảo cổ học khám phá ra những bộ lạc tiền sử đã từng sống trong vùng đất này.

Các cuộc khai quật đã tìm thấy vết tích của những cầu tầu, các phương tiện ở cảng cho thấy ngành công nghiệp tàu thuyền và đánh cá phát triển thịnh vượng quanh vùng biển này. Biển hồ Galilê dài khoảng 22km (13 dặm) rộng khoảng 12km (7 dặm). Ở vị trí khoảng 210m dưới mực nước biển.

lu hanh cong giao
Đi thuyền trên Biển Hồ Galile
Ngày nay, không chỉ là nguồn nước ngọt chính yếu cho người dân Israel, biển hồ Galilê còn là trung tâm ngành du lịch. Những kkhu nghỉ dưỡng tiện nghi dọc hai bên bờ cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng đa dạng. hạ nguồn phía Bắc nơi song Jodan tiếp giáp biển là công viên Jodan River (HaYarden). Bao gồm những khu giải trí tiện nghi: khu dã ngoại và các khu vực thể thao dưới nước.

Cạnh đó có một hệ thống thủy lợi dẫn nước vào để vận hành một cối xây bột, Rõ ràng, Israel hiện nay đã để lại nhiều dấu ấn trên biển hồ Galilê. Tọa lạc trên phía bờ Nam là Bet Gabriel, Một trung tâm văn hóa nổi tiếng với kiến trúc cực kỳ tinh tế nổi bậc trên hậu cảnh phong thủy hữu tình.

7.SÔNG JORDAN

Sông Jordan chảy từ phương Bắc xuyên qua biển hồ Galilê và theo hướng Nam đến Biển Chết. Bắt nguồn từ chân núi Hermon, dòng song tập hợp từ 3 dòng suối: dòng Dan, dòng Snir (tại Hatzbani) và dòng Hermon (tại Banias). Những dòng nước này là một phần của một khe nứt lớn, khe nứt tại Xyry thuộc Châu Phi, là khe nứt sâu nhất trên thế giới.

lu hanh cong giao

Dọc theo sông Jordan, Gioan Tẩy Giả rao giảng về phép rửa tội, dấu hiệu tha thứ cho những kẻ ăn năn sám hối. Sứ vụ tột đỉnh của ông là làm phép rửa cho Đức Giêsu thành Nazareth.

Những người hành hương đến vùng thánh Địa thường đến ghé thăm khu rửa tội Yardenit, Chỗ sông Jordan chảy ra khỏi biển hồ Galilê, và để chịu phép rửa, hay lập lại lời hứa của bí tích thánh Tẩy, Trong dòng nước của sông Jordan.

lu hanh cong giao
Nơi cử hành bí tích Thanh tẩy
Đây có lẽ không phải Chúa Giêsu chịu phép rửa. Địa điểm được tin rằng nơi Chúa Giêsu chịu phép rửa nằm ở hạ lưu song Jordan, hiện nay thuộc nước Jordan. Ngày xưa có nhiều địa điểm trên sông Jordan được các tín hữu đến hành hương, các tân tòng đến chịu phép rửa… nên Chính Phủ Do Thái đã cho xây dựng và mở rộng khu rửa tội Yardenit để thuận lợi cho mọi người.

lu hanh cong giao
Dòng sông Jordan
Nếu đem so sánh với sông Cửu Long mênh mang thuyền qua lại thì dòng nước Jordan nơi Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu có thể gọi là con kênh nhỏ. Nếu đặt bên cạnh sông Hồng cuồn cuộn siết chảy thì dòng Jordan chỉ là con lạch. Nếu đứng kề bên sông Hương thơ mộng lững lờ trôi thì Jordan chỉ là con suối nhỏ. Đứng bên bờ này sông Jordan ném hòn đá qua bờ kia, nó có thể đi xa hơn. Thế mà Chúa Giêsu đã chọn dòng nước bé nhỏ này, không phải như Môisen hay Giôsua giơ tay cho dòng nước rẽ đôi, nhưng để dìm mình xuống dòng nước nhỏ cùng với đoàn chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả. Thiên Chúa, Đấng cho Cửu Long giang tuôn chảy tưới mát đồng bằng miền Nam; Đấng cho sông Hồng tuôn nước lũ bồi đắp phù sa cho đồng bằng miền Bắc; Đấng cho Hương giang lững lờ lãng mạng gợi hồn thơ đã chọn dìm mình vào dòng nước Jordan bé nhỏ. Trong các dòng sông nổi tiếng khắp thế giới thì dòng sông Jordan bé nhỏ ấy là dòng sông quen thuộc nhất đối với người Kitô hữu chúng ta. Chính tại đây Chúa Giêsu đã đến khai mạc sứ vụ công khai bằng cách đón nhận phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả. Thật lạ lùng, trong số những người đến “xưng thú tội lỗi” (Mc1,5) và chịu “phép rửa sám hối để đước ơn tha tội” (Mc 1,4) lại có Chúa Giêsu. Ngài là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, siêu việt tuyệt đối, tại sao lại đến xin Gioan làm phép rửa sám hối? Ngài là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài” lại có thể đứng chung với đám đông người tội lỗi chờ đến lượt mình được chịu thanh tẩy? Đây là sự hạ mình sâu thẳm của Đấng Thánh và là một cuộc gặp gỡ lịch sử Cưụ ước – Tân ước. Biến cố không chỉ loan báo trước cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu mà còn loan báo về sự phục sinh vinh quang của Người. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan là lúc Tân - Cựu ước giao duyên, là lễ bàn giao giữa hai niên đại cũ và mới mà Chúa Giêsu và Gioan là đại biểu. Gioan, ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước gặp gỡ trao đổi bàn giao với Đức Kitô, vị ngôn sứ của thời kỳ mới. Cuộc gặp gỡ này không phải là một cuộc tranh cãi dành ưu thế, nhưng thật thú vị tuyệt vời khi cả hai đại biểu đều khiêm nhường đón nhận nhau trong sứ vụ. Chúa Giêsu từ tốn bước xuống dòng nước Jordan và xin Gioan làm phép rửa cho mình.Gioan hân hạnh xin Chúa Giêsu rửa cho mình vì ông nhìn thấy đây mới chính là nhân vật ban phép rửa trong Thánh Thần như ông đã loan báo. Nơi cuộc gặp gỡ lịch sử này, Thiên Chúa đã xuất hiện và chứng nhận. Lúc ấy các tầng trời mở ra, Thánh Thần đáp xuống như chim bồ câu và có tiếng Chúa Cha tuyên phán: Con là Con Ta yêu dấu. Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ hiện vào chính lúc lịch sử của hai niên đại mới và cũ chuyển giao. Từ nay Chúa Giêsu sẽ lên đường vào sứ vụ mới với niềm hy vọng mọi sự sẽ tốt đẹp theo thánh ý Chúa Cha. Cuộc gặp gỡ giữa hai Đấng tại sông Jorđan đã làm nên lịch sử và đã được Giáo hội chọn làm khởi điểm cho mùa thường niên là mùa phụng vụ cử hành các mầu nhiệm cuộc đời rao giảng tin mừng của Chúa Giêsu. Biến cố này không chỉ là cuộc bàn giao cũ mới mà còn là điểm giao duyên giữa trời và đất, giữa Thần khí và nước, giữa Tân ước và Cựu ước. Từ nay nhân loại được tái sinh trong đời sống mới. Qua Bí tích Rửa tội của Chúa Giêsu, chúng ta nhận đước ấn tín của Chúa Thánh Thần, trở nên con cái Thiên Chúa .

lu hanh cong giao
Chúa Giêsu chịu phép rửa
Như một thân thể của xứ Palestine, góp phần quan trọng trong lịch sử Israel ngay từ những ngày đầu Chúa chọn dân Do thái. Từ Jordan chuyển từ tiếng Do thái, hayyarden, có nghĩa “chảy xuôi dòng thời gian”. Bắt nguồn từ Syria, do ba phụ lưu hợp thành. Sộng dài 300km, rất nhiều chỗ cạn, nhiều chỗ uốn khúc, chảy qua biển hồ Galilê và cuối cùng đổ vào Biển Chết. Lòng sông rất dốc, thượng lưu ở độ cao 45 mét, đến cửa sông là 390 mét với mặt nước biển, lưu vực 93 mét khối/s. Mặc dù là con sông rộng nhất của Palestin, sông Jordan khác với những con sông của nhiều nước ở chỗ: Khúc sông từ Biển Hồ Galilê đến Biển Chết có đến 27 ghềnh thác khó lưu thông, lắm chỗ nước chảy qua tạo thành những thung lũng như đầm lầy, nhiều nơi có thú dữ, cây cối hai bên dòng sông mọc tươi tốt, không có thành phố lớn nào được thành lập dọc theo dòng sông. Kinh Thánh nói nhiều đến dòng sông này, khởi đầu là việc liên hệ giữa Abraham và ông Lot ở sông Jordan (St 13,10). Giacob từ Kharan trở về đã vượt qua sông Jordan, các chi tộc vượt sông Jordan cách kỳ diệu dưới sự hướng dân của Giosuê (Gs 3,14-17). Con sông là ranh giới vì dân du mục vượt qua sông vào Cannaan để cướp bóc. Người Israel tìm nơi nương náu bên kia tản ngạn sông Jordan (Tl 6,33; 2Sm 17,22) và được xem như sự che chở: “Trong bụi rậm sông Jordan...” (Gr 12:5; 49:19; 50:44) qua Naaman nước Aran nghe lời ngôn sứ Êliđeo xuống sông tắm 7 lần nên được khỏi bệnh phong hủi (2V 5,1-19). Ngôn sứ Êdêkiel (chương 47) diễn tả sức sống sung túc của sông Jordan, nước sông chảy đến đâu thì trao ban sự sống đến đó. Với Kinh Thánh Tân ước, sông Jordan là nơi Gioan làm phép thanh tẩy, thống hối và Chúa Giêsu nhận lãnh nghi thức thiên hạ này để mở đầu hoạt động công khai.

8.CAPHANAUM

Sau phép lạ tiệc cưới Cana mà Thánh Gioan gọi là “dấu lạ”, Chúa cùng với Mẹ, các môn đệ xuống Caphanaum và ở lại đó ít ngày (Ga 2,12) rồi Ngài lên Giêrusalem dự lễ Vượt qua, ở đó Ngài làm nhiều phép lạ, nhiều người tin Ngài. Ở đó, Ngài đàm đạo với ông Nicôđêmô, thuộc nhóm Biệt phái, là nhân viên hội đồng, người học rộng, bậc vị vọng. Ông ngạc nhiên khi ngồi nghe Chúa nói, nhưng vẫn còn chút dè dặt. Sau đó, Chúa Giêsu về lại Galilê. Ngài phải đi qua xứ Samaria (Ga 4,4). Tại đây, Ngài truyện trò với một thiếu phụ Sammaria, Người thiếu phụ được nghe Chúa nói và bà nhận ra Ngài là ai, vội vàng đi loan tin cho cả làng biết mình đã gặp Đấng Messia.

lu hanh cong giao
Thị trấn Caphacnaum
Caphanaum là một thành phố trên bờ Tây-Bắc biển hồ Galilê. Ngày nay gọi là Tellhum. Chúa Giêsu lấy thành này làm trung tâm hoạt động vào đầu thời kỳ truyền giảng công khai. Caphanaum thời đó là nơi sầm uất nối liền Damas và Ai Cập, dân cư làm nghề đanh cá, buôn bán. Chung quanh hồ Galilê, ngoài Caphanaum còn có thị trấn Hippos, Sennabris, Tarichée, Tibêria, Magdala, Bếtsaiđa đều nằm trên vành đai nhìn ra biển hồ.

Canaphanaum giữ một vị trí then chốt trong cuộc đời Chúa Giêsu. Sau khi chịu phép rửa, và ông Gioan bị bắt, Ngài đã lựa chọn nơi đây là trung tâm thừa tác vụ của Ngài. Hai thánh Mátthêu và Máccô đã xem Caphanaum như quê nhà của Chúa Giêsu. Từ nơi đây Chúa Giêsu đã đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời khắp các làng mạc trong vùng Galilê.

Tại Caphanaum Chúa Giêsu đã gọi Lêvi/ Mátthêu làm Tông Đồ (Mt, 9:9), nói chuyện với những người thu thuế, Cha lành bệnh tật (Mc 2:1-12), và đi giảng dạy khắp nơi, Trong một ngày Sa bát, tại hội đường Caphacnaum, với lời giảng, với uy lực của mình Chúa Giêsu đã khiến những người trong hội đường chăm chú lắng nghe và chữa lành một người bị quỷ ám (Lc 4: 31-37).

Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ tại Caphacnaum, trong đó việc làm cho con gái ông Giaia sống lại: “Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giêsu thấy người ta khóc lóc như vậy? đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy”Họ chế ngạo Người. Nhưng người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ đi cùng với người vào nơi nó đang nằm.Người cầm tay nó và nói “ Ta Li Tha Khum” nghĩa là “ Này bé, Thầy truyền cho con, trỗi dậy đi. Lập tức bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã 12 tuổi (Lc 8:40-56).

Tuy nhiên, dù cho Ngài đã thực hiện những sứ vụ và những phép lạ đã làm tại đây, cuối cùng Ngài cũng phải tiên đoán một cách chua sót về sự hủy diệt của thành phố biển này: “ Còn ngươi nữa Caphacnaum, ngươi tưởng được nâng lên tận trời ư ? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ. Vì nếu các phép lạ đã làm nơi Ngươi mà được làm tại Xơ đôm, thì thành ấy tồn tại đến ngày nay. Vì thế, ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơ –đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi”.


lu hanh cong giao

Sau 2000 năm Caphanaum không được tái tạo bao nhiêu. Nó vẫn còn nhiều phế tích. Người ta giải thích là do lời chúc dữ của Chúa Giêsu,vì dân ở đó không tin, dù đã thấy nhiều phép lạ (Mt 11,23-24). Cả ba thành bị chúc dữ : Khốn cho người hỡi Khorazin ! khốn cho ngươi hỡi Bếtsaiđa, còn ngươi nữa hỡi Caphanaum…

- Khorazin: Một thành ở miền Galilê, cách Capharnaum 3 Km về hướng Bắc. Thành bị chúc dữ, đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xiđon được xử khoan hồng hơn các ngươi.

- Bétsaiđa : Một thành ở bờ hồ Galilê, dân cư sống bằng nghề chài lưới. Ngày nay gọi là Kh.el Araj. Quê hương của các tông đồ Philipphê, Anrê và Phêrô (Ga 1,44; 12,21). Một người mù được Chúa chữa khỏi ở thành này (Mc 8,22-26). Trong biến cố bánh hoá ra nhiều, các tông đồ lên thuyền về Betsaida, gần tới nơi, các ông thấy Đức Giêsu đi trên mặt nước (Mt 6,45-52). Chúa cũng nguyền rủa thành này vì dân ở đây đã chứng kiến nhiều dấu lạ mà không hối cải.

Caphacnaum vốn không được đề cập trong Cựu Ước nhưng là nơi chốn quan trọng trong gia đoạn Tân Ước. Vùng này cũng được đề cập đến trong các tư liệu của sử gia Josephus vào thế kỉ đầu tiên sau Công Nguyên. Thành phố được gọi là “Kefar Nahum” (Nghĩa đen: Làng của ông Nahum) trong tiếng Do Thái. Caphacnaum phát triễn vượt bậc không ngừng cho đến thời kỳ Ả Rập vào thế kỷ thứ 7 và 8 sau Công Nguyên. Sau đó, Nơi đây đã trở thành một làng chài nhỏ bé.
Tại khu vực nay, các nhà khảo cổ học đã khai quật được tàn tích một đường Do Thái được xây dựng đẽo khắc rất công phu. Gần đấy là 1 nền nhà vốn được cho là nơi ở của thánh Phêrô. Chung quanh có nhiều những tàn tích của ngôi nhà khác và một loạt những vật dụng cổ phục vụ cho nông nghiệp.

9.HỘI ĐƯỜNG CAPHACNAUM

lu hanh cong giao
Hội đường Caphacnaum
lu hanh cong giao
Hội đường Caphacnaum nhìn từ bên ngoài
Được xây dựng trên phần đất cao ngay trung tâm sinh hoạt, công trình lộng lẩy này được xây dựng bởi hàng loạt những phiến đá trắng to lớn chạm trổ tinh vi đem về từ những vùng xa xôi hình ảnh đối lập hoàn toàn với các loại đá bazan trong vùng. Hội đường được xây dựng ngây bên trên nền hồi đường xưa từ thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên. ( nhiều nhà khoa học cho rằng nó được xây dựng hồi thế kỉ thứ 3). Trong số này các nhà khảo cổ còn khám phá ra nhiều tảng đá chạm khắc theo kiểu dáng của người Do Thái, như Menorah (Cây đèn 7 ngọn). Họ còn tìm thấy vết tích chạm khắc một ngôi đền trên bánh xe ngựa có liên quan đến hình ảnh hòm bia Giao Ước thời xưa.

10.NGÔI NHÀ CỦA THÁNH PHÊRÔ

lu hanh cong giao
Nhà Thánh Phêrô
Qua năm tháng ngôi nhà đã biến đổi nhiều. Nền nhà cổ xưa cho thấy đây là một ngôi nhà riêng từ thế kỉ đầu tiên trước Công Nguyên. Trong thế kỉ thứ 4 sau Công Nguyên, kiến trúc này được tách ra khỏi khu phố xưa bằng 1 bức tường, được tái cấu trúc và trang trí tỉ mĩ. Thế kỉ thứ 5 một nhà thờ bát giác lại được xây dựng ngây trên nền cũ. Bên trong nhà thờ có thể tìm được đựng các câu đề tặng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau nhằm tôn vinh Chúa Giêsu và thánh Phêrô.

lu hanh cong giao
Bên trong nhà thờ Thánh Phêrô
Để bảo quản di tích tốt nhất, một nhà thờ kiểu mới được xây dựng trực tiếp lên phía trên tàn tích cũ, nhà thờ có 8 cột cả thảy, hình bát giác trông rất giống như nhà thờ cũ, các cha dòng tu Phan xi cô trông non nhà thờ và tất cả các vật cổ trưng bày trong khu vực. Về phía đông di tích là nhà thờ Chính Thống Hi Lạp, Nhà thờ rất nổi bật bởi nhiều mái vòm xinh đẹp màu đỏ hồng nổi bật và đẹp rực rỡ giữa quan cảnh của rặng núi và vùng biển hồ Galilê..


lu hanh cong giao
Tượng Thánh Phêrô phía bên ngoài
11.NÚI BÁT PHÚC

lu hanh cong giao

Chúa Giêsu đã giảng “Tám mối Phúc Thật ở vị trí truyệt đẹp trên quả đồi phía Bắc của vùng biển Galilê, Phía trên những con suối Tabgha. Ngày nay, nơi đây là nhà thờ Công Giáo, tu viện, và có nhà khách nơi đã từng đón tiếp Đức Giáo Hoàng đến nghỉ ngơi. Chung quanh nhà thờ là một khu vườn xinh tươi xanh mát quanh năm. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1936 – 38, do kiến trúc sư Barluzzi người đạt giải thưởng, kiến trúc, thiết kế. Tòa nhà hình bát giác tượng trưng cho Bát Phúc.

lu hanh cong giao
Nhà thờ trên núi Bát Phúc
Các biểu tượng xung quanh gian cung thánh là nội dung Tám Mối Phúc Thật. Từ đỉnh đồi bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh vùng biển hồ Galilê. Không xa lắm trên dốc của một ngọn đồi là những tàn tích còn sót lại của 1 nhà thờ cổ đã được cung hiến để kỷ niệm “Các Mối Phúc Thật”.

lu hanh cong giao
Bên trong nhà thờ Bát Phúc
lu hanh cong giao
Nhà thờ Bát Phúc nhìn từ bên ngoài
lu hanh cong giao
Nhà thờ Bát Phúc nhìn từ trên cao xuống
lu hanh cong giao
Khuôn viên phía ngoài nhà thờ Bát Phúc
Vào năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đến đây từ lộ trình Núi Sinai và dâng lễ trên một ngọn đồi với hàng ngàn người tham dự. Năm 1964, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã theo lộ trình từ Núi Tabor viếng thăm nơi này.

12.TABGHA

Vùng Tabgha màu mỡ trải dọc theo hướng Tây Bắc bờ biển Galilê. Trên Tabgha bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp “Heptapegon” có nghĩa “7 con xuối” và được thu gom lại theo tiếng Ả Rập là Tabgha.

lu hanh cong giao
Nhà thờ Bánh Hóa Nhiều
Tại miền đất này đã xảy ra những sự kiện quan trọng trong sứ vụ của Chúa Giêsu: phép lạ hóa bánh và cá hóa nhiều, Núi Bát Phúc ở gần đó, và sau khi Phục Sinh, Người đã hiện ra với các tông đồ trên bờ hồ và trao Tối Thượng Quyền cho Thánh Phêrô chăn dắt Chiên của Người.

Ở Tabgha, phía Tây Bắc biển hồ Galilê, giữa một khu vườn tuyệt đẹp tọa lạc một ngôi nhà thờ Công Giáo: “nhà thờ Bánh Hóa Nhiều”

lu hanh cong giao
Cây ôliu được trồng trong sân nhà thờ Bánh Hóa Nhiều
lu hanh cong giao
Phía trong nhà thờ Bánh Hóa Nhiều
Ngôi nhà thờ đầu tiên được xây dựng dưới thời Byzantine. Trong nhiều giai đoạn khác nhau và được trùng tu vào các thế kỉ sau đó. Nhà thờ vẫn còn lưu giữ được vài mảng sàn đẹp nhất vùng thánh Địa. Có lẽ biểu tượng nổi bật nhấtnằm ngay giữa cung thánhchính là 5 chiếc bánh và 2 con cá, kính nhớ Chúa Giêsu đã làm phép lạ tại đây.

lu hanh cong giao
Phía dưới bàn thờ là tảng đá nơi Chúa hóa bánh ra nhiều
Người Ba Tư xâm chiếm vùng này và tiêu hủy nhà thờ vào năm 614. Thánh đường mới được xây dựng trên nền cổ của nhà thờ, vẫn giữ nguyên phong cách cũ đồng thời kết hợp nhuần nhuyễn những nét cổ xưa và hiện đại. Ngày nay, các cha dòng Biển Đức chăm sóc và cai quản các hoạt động của nhà thờ.

13.NHÀ THỜ TỐI THƯỢNG QUYỀN

Chúa Giêsu bắt đầu các sứ vụ của Ngài ở vùng biển Galilê và cũng kết thúc tại đây. Ở Tabgha, phía Tây Bắc bờ biển tọa lạc ngôi nhà thờ Tối thượng Quyền thánh Phêrô. Vào năm 1933 các Cha Dòng Phanxicô đã cho xây nhà thờ ngay bên cạnh bờ hồ. Nơi đây, sau khi Phục Sinh Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và giao quyền cho thánh Phêrô chăn dắt Giáo hội. Một phiến đá tương đối bằng phẳng, được gọi là “Mensa Christi” hoặc “Bàn của Chúa” đánh dấu nơi đây các môn đệ dung bữa bên bờ hồ ngày xưa. Phiến đá này đã từng đặt trong nhà thờ cổ và nay được đặt ngay trong cung thánh của nhà thờ mới.

lu hanh cong giao
Bên ngoài nhà thờ Tối thượng quyền Thánh Phêrô, bên bờ hồ Galile
Cuộc đời Phêrô có nhiều sôi nổi. Gồm lại những sôi nổi, ta có thể chia đời ông ra làm hai : cuộc đời phần một,từ khi theo Thầy ở biển hồ Galilê đến lúc chối Thầy; phần hai,từ khi theo Thầy ở biển hồ Tibêria cho đến cuối đời chết ở Roma.

Trong cuộc đời phần một của ông, ông đi từ lỗi lầm này sang lỗi lầm khác. Cuối đời của Chúa, Chúa đã bị ông từ chối thê thảm (Mc 14,66-72). Gom nhặt những đoạn phúc âm nói về Phêrô, ta thấy mảnh đời phần một của ông có nét chân dung thế này : Là tông đồ bị Chúa mắng nhiều nhất.

* Mắng lần đầu tiên : Quân yếu tin ( Mt 14,31)

* Lần thứ hai : Ngu tối ( Mt 15,16)

* Lần thứ ba : Satan ( Mc 8,33)

lu hanh cong giao
Bên trong nhà thờ Tối thượng quyền thánh Phêrô
Phần hai cuộc đời ông là một thiên anh hùng ca. Thiên anh hùng ca được mở đầu bằng những lời chứng của Gioan (Ga 21,2-3). Lời chứng nói về một đêm đen mờ mịt của biển hồ Tibêria, rồi đưa đời ông từ đếm đen mờ mịt ấy về một cõi trời phiêu bạt mịt mù sương gió cho Nước Trời.

Nhớ đến đoạn Phúc âm kể câu chuyện, đêm hôm ấy họ không bắt được con cá nào…rất giống như lần đầu tiên lúc họ mới gặp Chúa. Rồi có một người đứng đó. Người ấy bảo đem lưới mà thả bên phải mạn thuyền. Họ làm như thế và bắt được rất nhiều cá. Gioan thốt lên: "Thầy đó" (Ga 21,1-7) Phêrô choáng váng. Ông vội khoác áo vào, nhảy xuống khỏi thuyền bơi thật nhanh lên bờ. Thầy đã nhóm lửa và bảo họ lấy cá. Phêrô vội vàng thi hành. Ông không dám hỏi một lời. Sau bữa ăn, Chúa phá vỡ im lặng. Ngài quay về phía Phêrô. Ông vẫn im lặng. Chúa hỏi : "Simon con Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?.(Chúa gọi ông bằng tên riêng của ông chứ không gọi bằng tên Chúa đặt: Phêrô : Đá) Ông cảm thấy như đau nhói ở trong lòng. Trả lời với Thầy làm sao bây giờ. Ông còn có quyền nói là ông yêu Chúa nữa hay không. Dù sao thì ông cũng không thể nói trái với sự thật. Ông để cho Chúa phán xét: "Thưa Thầy, thầy biết con yêu mến thầy". Có những điều người đời không thể biết nhưng Chúa biết. Ông không nói dối. Một con người đã có lần phản bội, đã có lần chối Chúa, đã có lần rất tầm thường như ông làm sao mà có thể dám quả quyết. Nhưng tự trong thâm tâm, tự trong đáy lòng ông vẫn mến Thầy chân thành. Ông nói rất thật. Chúa lại nhìn ông một lần nữa rồi Ngài lại lập lại cũng một câu hỏi trên: "Simon con Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?". Ông cũng lại lập lại câu trả lời như ông đã trả lời ở trên. "Thưa thầy có. Thầy biết rằng con yêu mến Thầy".

Bức tượng điêu khắc về cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với thánh Phê rô. Này anh Simon, con ông Giôna, anh có yêu mến Thầy không?
Rồi lần thứ ba Chúa hỏi lại để được nghe lại một lần nữa lời tuyên xưng tình yêu của một kẻ được Chúa yêu thương nhất nhưng cũng đã vấp phạm nhiều nhất. "Simon con Gioan, con có yêu mến Thầy không?. "Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy".

lu hanh cong giao
Nhà thờ Tối thượng quyền thánh Phê rô nhìn từ phía Biển Hồ Galile
Đời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mãnh, giữa trọn vẹn và dang dở, giữa xa và gần, giữa trời và đất. Trái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Đời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Ba lần ông chối Chúa, ba lần Chúa cho ông cơ hội để nhắc lại tiếng nói tình yêu, để tuyên xưng lòng tin tưởng của mình. Không một lời rầy la, không một lời trách móc, không một lời buộc tội, chỉ là cơ hội để xác định lại mối dây liên hệ yêu thương. Đó là cách Chúa cư xử với những kẻ khiêm nhường. Nhờ vậy Phêrô bắt đầu một đoạn đời mới. Chúa trao quyền cho Phêrô : "Hãy chăn giữ các chiên của ta". Thế rồi Chúa bảo ông : hãy theo Thầy. Chỉ chờ đợi lời mời gọi này, Phêrô lập tức lên đường thực thi sứ mạng Thầy trao. Từ đây trên tảng đá Phêrô, Thầy xây Giáo hội của Thầy, cửa hoả ngục sẽ không thắng được. Từ đây, những trang sử vẻ vang của giáo hội sơ khai được viết nên bởi vị Tông đồ có lòng yêu mến Chúa thiết tha.

14.TIBÊRIA

Tọa lạc trên vùng bờ biển phía Tây. Tibêria là khu định cư lớn nhất quanh vùng biển Galilê. Vua Hêrổđê Antipas, Con trai Hêrôđê Đại đế, Kiến lập và đăt tên thành phố này để bày tỏ để bày tỏ lòng kính trọng đại đế La Mã Tibêriút, người đã nắm quyền trị vì trong khoảng thời gian 1437 sau công nguyên.

lu hanh cong giao
Một góc thành cổ Tiberias
Dưới thời ông Phongxitô Philatô – quan tổng trấn vùng Giuđêa, thành phố được mở rộng vào thế kỉ thứ 3, trở thành thuộc địa La Mã.

Với dân Do Thái, Tibêria là một trong bốn linh địa có tầm quan trọng đáng kể (bao gồm Jerusalem, Hebron và Safed). Trong suốt thế kỉ thứ II và thứ III, Tiberias nổi tiếng với trung tâm nguyên cứu của Người Do Thái, Đại Công Nghị, Hội Đồng Do Thái di chuyển từ Zippori (Sepphoris) về Tiberias, Nhiều học giả uyên thâm sống ở Tiberias, rất nhiều bài chú giải Lề Luật truyền khẩu Mishnah khá phổ biến ở Giêrusalem và Palestine cũng được viết ở Tibêria. Ngày nay trong khu vực người ta đã khám phá ra nhiều nơi an tang theo kiểu truyền thống của nhiều vị học giả nổi tiếng người Do Thái như: Maimonides, giáo sĩ Meir, và giáo sĩ Akiba.

Sát bên công đồng Do Thái là 1 cộng đoàn Thiên Chúa Giáo. Năm tháng trôi qua, đặc biệt vào thời Byzantine và thời Thập tự Chinh, nhiều nhà thờ đã được xây dựng. Một trong số những nhà thờ thời Thập Tự Chinh đã được xây dựng để kính nhớ Thánh Phêrô. Hiện nay nhà thờ này được các cha dòng Phaxicô phục hồi và tiếp tục bảo quản. Tibêria còn có nhiều nhà thờ và tu viện khác như tu viện của Chính Thống Giáo Hy Lạp, hay phái Anh Giáo Scotland.

Đường biên giới phía Tây của thành phố cổ là ngọn núi Bêrênice, đặt theo tên người chăn chắc của vua Hêrôđê. Từ đỉnh núi này mở ra 1 tầm nhìn bao quát toàn cảnh hung vĩ của Tibêđê và bờ biển Galilê. Trên ngọn núi các nhà khảo cổ đã tìm thấy các dấu vết còn sót lại của các cộng sự và các tòa nhà hnahf chính từ thời La Mã và các nhà thờ của giai đoạn sau đó.

lu hanh cong giao
Khảo cổ học thành cổ Tiberias
Năm 1033 một trận động đất đã chôn vùi Tibêria, Vùng Hammath – Tibêria cỗ xưa là những dòng suối nước nóng và các địa danh khảo cổ. Qua nhiều thế kỉ, người ta đã khám phá ra các dòng suối khoáng này rất có ích cho người chữa bệnh và phục hồi sức khỏe. Ngày nay du khách có thể ngâm mình trong suối nước nóng hay thư giãn trong các trung tâm phục hồi sức khỏe.

lu hanh cong giao
Toàn cảnh công trình khai quật thành cổ Tiberias
Gần đấy các nhà khảo cổ học đã khai quật được rất nhiều hội đường có niên đại từ thế kỉ thứ 4 đến thứ 8. Họ đã khi quật được một sàn nhà được thực hiện toàn bộ bằng nghệ thuật đá khảm độc đáo vốn từng tô điểm cho một trong các Hội Đường, dù cho thời gian đã phai tàn nhưng sàn nhà đã cho thấy một vẻ đẹp đa sắc của nghệ thuật Moasic, mô tả những lời ca tụng, một bánh xe thiên văn bên cạnh các biểu tượng của người Do Thái nhưu hòm Torah, cây đàn có nhiều nhánh.

Với các cơ ngơi hướng biển tuyệt đẹp, các khách sạn và nhà hàng sang trọng Tibêria ngày nay là một điểm nghỉ dưỡng thu hút được nhiều khách gần xa.

15.CHÚA HIỂN DUNG – NÚI TABOR

Ngọn núi Tabor với vẻ đẹp và hình dáng mái vòm đặt biệt, mọc lên sừng sững, hiên ngang tại vùng Galilê. Đứng trên đỉnh, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của các khu vực xung quanh. Với hệ thực vật xanh phong phú ngọn núi lúc nào cũng xanh biết quanh năm.

lu hanh cong giao
Toàn cảnh núi Tabor
Với độ cao và vị trí ưu việt, ngọn Tabor giữ vị trí chiến lược trong tất cả trận chiến trong khu vực. Một trong số những trân chiến nổ tiếng Deborah nhà tiên tri, thẩm phán và Barak tiến hành cuộc chiến chống lại Sisera và Cananites, Barak và người Do Thái chiếm giữ vị trí trên núi Tabor và triệt hạ hoàn toàn Sisera – viên chỉ huy quân đội Jabin. Vào cuối trận chiến “Sisera ngã ngựa và chạy trốn trên đôi chân trần…tất cả các quân đội của Sisera bị giết sạch, không một ai trôn thoát” ( Judg.4:15-16).

lu hanh cong giao
Nhà thờ Chúa Biến Hình trên núi Tabor
Từ đầu thời kỳ Byzantine, Kitô giáo đã tin rằng ngọn Tabor chính là nơi Chúa Giêsu biến hình. Trên đỉnh núi có nhiều nhà thờ được xây dựng trong suốt thời kỳ Byzatine và thời Thập Tự Chinh. Nhà thờ Hiển Dung theo kiểu hiện đại được cung hiến vào năm 1925 do các cha Dòng Phan Xi cô quản lý. Họ đã phối hợp rất nhuần nhuyễn các yếu tố hiện đại với các tàn tích còn sót lại của các nhà thờ thời xưa. Ngôi thánh đường có những bức khảm tinh tế mô tả Chúa Giêsu biến hình giữa Môisê và Êlia, tượng trưng cho Lề Luật và Tiên Tri, là hai nhà nguyện, một dành cho Môisê và một dành cho Êlia.

lu hanh cong giao
Cung thánh Nhà thờ Chúa Biến Hình trên núi Tabor
Gần thánh đường là vết tích của một nhà thờ lớn và tu viện thời Thập Tự Chinh. Trong những giai đoạn chiến tranh, ngọn Tabor giữ một vai trò quan trọng trong chiến lược quân sự. Ngày nay chúng ta vẫn còn thây tàn tích của các cộng sự, những bức tường được dựng lên trong suốt giai đoạn này.

lu hanh cong giao
Họa tiết trang trí trên mái vòm nhà nguyện
Trên núi Tabor hiện nay cũng có nhà thờ kính tiên tri Êlia và 1 tu viện dưới sự bảo trợ của Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp. Trong vùng lân cận là hang Menkixêđê, vị trưởng tế đã chúc phúc Abraham. (sau khi đánh bại vua Cơđolaôme và các vua cùng phe, ông Ápram trở về, thì vua thành Sôđom ra đón ông tại thung lũng Savê, tức là thung lũng Nhà Vua. Ông Menkixêđê, vua thành Salem, mang bánh và rượu ra: ông là tư tế của Thiên Chúa tối cao, Đấng dựng lên trời đất, chúc phúc cho Ápram! Chúc tụng Thiên Chúa tối cao, Đấng đã trao vào tay ông những kẻ thù địch của ông! “ Rồi ông Áp ram biếu ông Menkixêđê một phần mười chiến lợi phầm (Sáng Thế Kỷ 14:17-20).

lu hanh cong giao
Nhà nguyện tiên tri Êlia phía bên trái
lu hanh cong giao
Nhà nguyện tiên tri Môisê phía bên phải
Dưới chân núi về phía Bắc là làng Dabburiye nơi chúa Giêsu đã chữa lành cho một người con trai bị động kinh. Các môn đệ khác thường chờ ở đây khi Thầy của họ lên núi cùng với Phêrô, Gioan và Giacôbê.

lu hanh cong giao

Phía nam chân núi làng Nain. Theo phúc âm thánh Luca: “Chúa Giêsu đi vào làng và thấy đám tang của một người thanh niên con trai duy nhất của 1 góa phụ. Động lòng thương, Người đã cho con trai người góa phụ đó sống lại trong sự vui sướng của mọi người. (Luca 7:11-17).

Phía Bắc dưới chân núi Tabor là làng Shibli nơi có trung tâm Di Sản của người du mục Bedouin. Du khách đến đây dễ dàng nhận thấy những nét văn hóa đặt thù và lòng hiếu khách của dân địa phương. Khi nghe tiếng giã hạt café của những người Bedouin có nghĩa đã đến lúc chúng ta nên vào lều thưởng thức bia và lắng nghe các câu chyện họ kể.

16.NÚI CARMEL & HAIFA

Núi Carmel tuyệt đẹp vương cao trên nền Địa Trung Hải, với 1 thảm thực vật xanh tươi tốt quanh năm phủ lên toàn bộ bề mặt, ngọn núi, biển và đồng bằng tạo nên 1 khung cảnh thật huyền ảo.

a.HAIFA

Haifa, nằm ngay tại giao điểm của rặng Carmel và vùng ven biển, là thành phố lớn thứ 2 Israel.

Là thành phố cảng, thành phố công nghiệp hàng đầu, và cũng là trung tâm thương mại và dịch vụ lớn ở phía Bắc và cả nước, đã thế là một phần của rặng Carmel, Haifa lại có thêm ưu điểm là sự đa dạng của các thảm thực vật. Một bên là phong cảnh bờ biển trải dài trước tầm mắt, phía bên kia là toàn cảnh hồ Galilê.

Thành phố Haifa nhìn trên cao
Haifa không những là quê hương của những bảo tang những trường đại học mà còn là trung tâm văn hóa giáo dục.

b.ĐỈNH CÁCMEN MUHRAQA

Trên đỉnh Carmel về phía Tây, nằm giữa công viên quốc gia là một tu viện, du khách phóng tần mắt ra xa sẽ thấy thung lũng Jezreel nằm trải phía dưới. Tu viện này là nhà tu kín. Ở đây tiên tri Ê li a đã chứng minh với các tirm tri phái thờ tà thần Ba-an rằng Thiên Chúa là Đấng có thực và quyền năng. Ông đã lập đàn hy tế và đã được Thiên Chúa chấp nhận của lễ trước con mắt của phái thờ thần Ba-an.

Daliyat – Carmel và Lsfiya là hai ngôi làng đặt biệt của giáo phái Druze trên núi Carmel. Giáo phái này tách ra Hồi Giáo từ thế kỉ thứ 10 và là giáo phái thờ độc thần. Du khách đến tham quan ngôi làng này sẽ rất thích thú vì lòng mến khách của những người Druze.
Nhà thờ Đức Mẹ Sao Biển trên đỉnh núi Carmel
Tượng tiên tri Elia
lu hanh cong giao
Bên trong Nhà thờ Đức Mẹ Sao Biển
lu hanh cong giao
Đức Mẹ Sao Biển


lu hanh cong giao
(còn tiếp...)
Jos Nguyen

Bài Viết ý nghĩa khác:

Nhận xét :

Comments