Học cách giúp đỡ trong cuộc sống
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj9GL5961BUreBO9Z_9ShNUgKMtNospktJaBMPD1m59MCIZlevCrYVTyK-okumSfaMIYEmjWeDAv5KVqOl3C_anLelf1aOeDGmK4YFjQ5NA7C20UJx9AqJq1uAcjdwM0FB4scB_260bYzw/s72-c/gnst_gdnk.jpg
Khi người khác gặp khó khăn, hoạn nạn, đừng bỏ mặc họ. Lúc bạn đưa tay cho người khác nắm tức là đã mở cho mình lối thoái hiểm khi gặp những chuyện không may.
Ngày nay, nhiều bạn trẻ chọn cho mình cách sống tự lập. Các bạn tự tin và mạnh mẽ để có thể tự đương đầu với những thách thức trong cuộc sống. Điều đó rất đáng ca ngợi. Tuy nhiên, đa số những người trẻ lại đang sai lệch trong tư tưởng giữa “tự lập” và “cô lập”.
Nên nhớ rằng: Chúng ta không sống một mình mà sống với mọi người xung quanh. Vì thế, không phải việc gì chúng ta cũng có thể tự mình vượt qua tất cả. Sức mạnh của nhiều người là sức mạnh không gì bẻ gãy được. Đừng từ chối sự giúp đỡ cho dù nó đến từ phía bạn hay từ những người khác.
Yêu cầu sự giúp đỡ
Chúng ta luôn phải đối diện với tâm lý ngại ngùng khi buộc phải mở lời nhờ ai đó giúp mình. Bởi vì chúng ta quá đặt nặng sự mong đợi của chính mình mà quên đi thái độ cũng như hoàn cảnh của người mà chúng ta cần họ giúp đỡ. Đừng tạo sức ép buộc đối phương phải nói “Có” khi họ không thực tâm muốn giúp và yêu cầu của bạn. Hãy tạo thuận lợi cho đối phương nói “không", khi đó cuộc trò chuyện sẽ thoải mái hơn. Đôi khi, sự giúp đỡ không theo ý chúng ta. Vậy nên, khi ai đó không nhận lời giúp bạn dù bạn đã yêu cầu, đừng vội thất vọng vì sự giúp đỡ ấy vẫn sẽ đến theo một cách rất riêng.
Đừng bao giờ cảm thấy khó chịu khi nhờ vả người khác giúp mình, bởi không ai trong chúng ta là thiên tài và ai cũng cần được giúp đỡ khi gặp chuyện không may. Hãy dẹp bỏ tâm lý mặc cảm sang một bên để đề nghị người khác giúp đỡ cho khi bạn thật sự cần. Không ai từ chối bạn nếu yêu cầu thật sự khẩn thiết và bạn không có dấu hiệu của sự lạm dụng lòng tốt.
Tất nhiên, khi yêu cầu sự giúp đỡ bạn đừng yêu đòi hỏi quá nhiều. Một vấn đề nên được giải quyết 70% từ phía bạn và 30% từ đối phương. Lúc này, khả năng người được yêu cầu chấp thuận sẽ cao hơn. Ngoài ra, khi yêu cầu giúp đỡ, không nên nói vòng vo gợi chuyện nếu bạn nghĩ nó sẽ đánh động lòng thương xót từ người khác. Hãy đi thẳng vào chủ đề. Quan trọng nhất là hãy biết nói câu: “Bạn có thể giúp tôi được chứ?” bằng sự chân thành nhất có thể.
Đề nghị được giúp đỡ
Khi đã nhận được sự giúp đỡ, bạn đừng quên làm điều ngược lại khi người khác cần sự giúp đỡ từ bạn. Làm điều tốt giúp người khác có một cuộc sống tốt đẹp hơn, hoặc về vật chất, hoặc về tinh thần, tôi tin chắc bạn sẽ thanh thản hơn khi thấy người khác mỉm cười.
Khi người khác gặp khó khăn, hoạn nạn, đừng bỏ mặc họ. Lúc bạn đưa tay cho người khác nắm tức là đã mở cho mình lối thoái hiểm khi gặp những chuyện không may. Hãy chân thành giúp đỡ khi điều đó hoàn toàn nằm trong khả năng của bạn.
Dĩ nhiên, như đã nói ở trên, chúng ta luôn vấp phải tâm lý ngại ngùng khi phải đưa ra sự nhờ vả. Vậy nên, khi bạn chú ý đến một ai đó đang cần giúp đỡ, hãy giúp họ một tay bằng cách đưa ra lời đề nghị: “Tôi có thể giúp bạn chứ?” một cách chân thành. Ắt hẳn họ sẽ lấy làm cảm kích bạn thay vì bạn cứ đứng giương mắt nhìn.
Tóm lại, không cần biết bạn là ai, bạn giàu có ra sao, uyên bác thế nào, bạn luôn cần sự giúp đỡ. Và không cần biết bạn là ai, bạn nghèo khổ thế nào, bạn đang gặp phải những khó khăn gì, bạn hoàn toàn có thể giúp người khác. Tất cả chúng ta đều có được nhiều thứ khi biết cho và nhận.
Nguồn: Sưu tầm