Tử Đạo - Con Đường Thập Giá
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjyjOkeBw6yuT2pujKDR68VjbAIPQtME9PShDLIQZ6NsLj9B_63geJH6CikOzNMIm6-XwS-jL5i8TfXQPYR9cHSBOx71Y0d6iVEAuvVus6ssW5aKIZwSmeQ2seBvG9tg9YLlPJGnBsEDyg/s72-c/tudaovn.jpg
Lm Phêrô Nguyễn Châu Linh
“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc: 9, 23)
Chúa Giêsu vẫn chọn và bước đi trên “Con Đường Thập Giá”. Chúa Giêsu chập nhận làm “người tình điên” để đến với con người qua “con đường điên rồ”. Ngài sẵn sàng vâng lời, từ bỏ vinh quang để trở nên người phàm, trở nên nô lệ, bằng lòng chịu chết trên Thập giá (x pl 2,6-7).
1- CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ – LỜI MỜI GỌI CỦA ĐỨC KITÔ
Lời mời gọi của Chúa Giêsu có pha chút tâm tình, nhưng không hề có chút hấp dẫn. Trái lại, nghịch lý với sự tự nhiên con người. Lời mời gọi không mang nặng tính quảng cáo, nên khó lòng lôi cuốn. Bởi ai lại không muốn sống sung sướng, dại gì chuốc lấy thiệt thòi, khổ đau.
Lời mời gọi của Chúa Giêsu không hề áp đặt, bởi Chúa tôn trọng sự tự do của con người. Tự do là ân huệ cao quý mà Thiên Chúa trao ban cho con người. Con người có quyền lựa chọn, nhưng một khi đã chọn lựa rồi, thì phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Nhưng khổ nỗi, “Con Đường Thập Giá” mà Chúa Giêsu chọn lựa theo thánh ý Chúa Cha lại là con đường đau khổ, nhưng đó lại là con đường dẫn đến hạnh phúc, và sự sống bất diệt. Bởi Chúa Giêsu đã đi qua là một bằng chứng sống động cho những ai tin. Và Ngài mời gọi chúng ta bước theo Ngài nếu muốn được phục sinh với Ngài.
2- CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ – CON ĐƯỜNG CỦA ĐỨC KITÔ
Biểu tượng cây thập giá đối với người Do Thái và những người không có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô là một biểu tượng của sự chết, là sự ô nhục, ngu xuẩn, điên rô (x 1Cor 1,22-23). Nhưng Chúa Giêsu vẫn chọn và bước đi trên “Con Đường Thập Giá”. Chúa Giêsu chập nhận làm “người tình điên” để đến với con người qua “con đường điên rồ”. Ngài sẵn sàng vâng lời, từ bỏ vinh quang để trở nên người phàm, trở nên nô lệ, bằng lòng chịu chết trên Thập giá (x pl 2,6-7).
Liệu Chúa Giêsu đã chon lựa sai lầm?
Ai có thể hiểu được đường lối của Thiên Chúa? Bởi tư tượng chúng ta là tư tưởng con người không phải tư tưởng của Thiên Chúa. Isaia đã nói: “Trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi tư tưởng của Ta cũng vượt trên tư tưởng của các ngươi thế ấy”. (Is 55, 9). Thánh Phaolô cũng quả quyết: Ðừng có ai lừa dối mình. Nếu có ai trong anh em cho mình là người khôn ngoan ở đời này, thì kẻ ấy hãy nên điên dại để được khôn ngoan: vì sự khôn ngoan của thế gian này là sự điên dại đối với Thiên Chúa (1Cr 3,18-19 )
Ai mà dám làm tài khôn cho Thiên Chúa? Chỉ có những tâm hồn bé nhỏ, khiêm nhường, đơn sơ và cầu nguyện thì mới có thể nhận ra “Con Đường Thập Giá” của Đức Kitô để tin yêu, để chấp nhận, để bước đi, để dấn thân và phó thác.
3- CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ – MỘT CHỌN LỰA CỦA CÁC THÁNH TỬ ĐẠO
Các thánh tử đạo là ai? Các ngài không phải là người xa lạ, nhưng rất gần gũi với chúng ta, có khi là họ hàng, cùng láng, cùng nước, cùng niềm tin, cùng phép rửa, cùng niềm hy vọng vào sự sống mai sau, nhưng sẵn sàng bước đi theo Đức Kitô trên “Con Đường Thập Giá”, chấp nhận thương đau, thiệt thân.
Trên 300 năm bị bách hại, đồng thời phải sống trong một hoàn cảnh nghèo khổ, thiếu thốn: cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, và cũng không có những nơi thờ tự và điều kiện sống như ngày nay, nhưng các ngài vẫn một lòng trung kiên theo Chúa đến cùng, hầu minh chứng niềm tin son sắt của mình. Chính con đường khó nghèo ấy lại là cách thế giúp cha ông tổ tiên chúng ta sống đạo bằng một cung cách rất tự nhiên, đơn sơ nhưng đầy tin tưởng: sớm tối kinh hạt, chuyên chăm tham dự thánh lễ, tuân giữ giới răn Chúa cách nghiêm chỉnh trong tinh thần vâng phục Hội thánh, sống vui tươi, tin tưởng và phó thác.
Câu chuyện Macabê đã chứng minh niềm tin kiêu hùng của người mẹ và bảy người con, thà chết chứ nhật định không ăn thịt heo mà phạm luật. Một người mẹ đầy can đảm với đức tin sắt đá đã khuyên con mình bằng những lời lẻ đầy khôn ngoan, chịu khổ hình vì đức tin. Do chính sự giáo dục đạo đức của người mẹ đã truyền con cái bà một niềm tin trung kiên và tin thác vào Chúa (Mcb 7,1.20-23.27b-29). Đây là tấm gương sáng cho các bà mẹ trong việc giáo dục đức tin cho con cái hôm nay.
4- CON ĐỪƠNG THẬP GIÁ - MỘT THÁCH ĐỐ CHO NGƯỜI KITÔ HÔM NAY
Sống đạo phải chăng là một thách đố cho người Kitô hữu trong thời đại hôm nay?
Khi đời sống kinh tế phát triển, khoa học lên ngôi, con người bắt đầu chạy theo lợi nhuận: nước nước làm giàu, nhà nhà làm giàu, người người làm giàu. Con người bị cuốn hút vào vòng xoáy mà khó tìm ra lối thoát. Hậu quả là con người chỉ biết sống cho mình, không màng chi đến người khác: ích kỷ, tham lam, hưởng thụ.. Và rồi nền luân lý suy đồi, đạo đức tụt dốc. Nguy hiểm nhất là con người đánh mất nhận thức về tội, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, sống theo chủ nghĩa duy vật.
Trong khi mẹ con Macabê chấp nhận cái chết do từ chối ăn thịt heo vì sợ phạm luật, thì con người ngày nay lại mắc phải cái tội tham lam. Vì tham ăn, tham uống, tham làm, nên phải tranh giành: tranh giành quyền lực, tranh giành đất đai, tranh giành nhà cửa. Ai cũng lo làm, lo ăn, lo mặc. Kinh không đọc, lễ không đi, việc học giáo lý trở nên gánh nặng. Giữ đạo trong nhà thờ thì nhiều nhưng sống đạo giữa dòng đời thì ít. Lòng người xuống dốc, niềm tin biến mất.
Vì lo làm giàu mà không ít cha mẹ “ liều hy sinh” cả cuộc đời để dành dụm: tiền bạc, nhà cao, cửa đẹp, đất đai ... cho con cái, . Bao nhiêu cũng không vừa. Bệnh sĩ diện ngày một nặng và gia tăng: làm sao gia đình mình phải hơn gia đình người khác, không thì mất mặt, nhà mình to và cao hơn nhà bên cạnh, con cái phải có bằng cấp và giỏi hơn con người người khác, phải xài hàng hiệu chứ không xài hàng thường mà người ta khinh. Thế là cứ cắm đầu cắm cổ chạy theo “hạnh phúc ảo”. Mất cả phương hướng.
Vì lo làm giàu, nên nhiều người không có thời gian quan tâm đến cha mẹ già, để cha mẹ bữa no, bữa đói, nói chi là đến việc giúp đỡ người nghèo. Thời gian chăm sóc, giáo dục nhân bản và đức tin cho con cái cũng trống vắng. Vì thế một số người trẻ ngày nay mất niềm tin, xa Chúa. Trong cách đối xử thì thường coi trọng bạn bè hơn chính cha mẹ mình, chỉ vì sợ mất lòng.
Trong khi đó cái quan trong nhất mà cha mẹ phải để lại cho con cái chính là: niềm tin, tình yêu, lòng vị tha, chia sẻ, phục vụ, quảng đại...thì hầu như bị lãng quên. Đừng quên rằng: “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14:17). “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho.” (Mt 6:33). Đừng quá áy náy và lo lắng cho ngày mai (Mt 6, 24-34). Dù sống trong danh vọng, con người cũng không hiểu biết gì; thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết (Tv 49,22). Ba tấc đất mới thật là nhà, nơi chúng ta ở muôn đời muôn kiếp (Tv 49,12).
Không phải là không có người Kitô hữu tốt, thánh thiện, nhưng cái tốt ấy dường như chỉ “đóng khung” trong sự riêng tư chính mình, trong phạm vi căn nhà mình và và trong xứ đạo mình: tôi không làm thiệt hại ai, không làm mất lòng ai ... Tốt lắm! Nhưng niềm tin và tình yêu đòi hỏi phải có sáng kiến, phải đột phá bước trước để đến với tha nhân. Chấp nhận tử đạo là chấp nhận “Con Đường Thập Giá”, nghĩa là chấp nhận từ bỏ, chấp nhận tiêu hao, chấp nhận thiệt thòi, chấp nhận hy sinh, chấp nhận lội ngược dòng để có một niềm tin và tình yêu tích cực và đích thực.
KẾT LUẬN:
Chính vì yêu mến Chúa mà các thánh tự đạo đã bỏ tất cả để sống chết với Đức Kitô, và không có gì có thể ngăn cản và tách các ngài ra khỏi tình yêu của Đức Kittô: gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, sự chết, sự sống, hiện tại hay tương lai (x Rm 8, 31b-39). Các thánh tử đạo đã chiến thắng và đi đến vinh quang bằng “Con Đường Thập Giá”.
Hãy học lấy gương các thánh tử đạo để sống đạo, nhờ đó làm thăng tiến niềm tin và tình yêu giữa lòng thế giới hôm nay.